Võ Văn Kiệt - "Người dám vượt ngưỡng để làm điều đúng"

13/06/2008 08:00 AM

…Cha tôi thường nói về Võ Văn Kiệt là “con người của hành động”. Ông không phải là con người nặng về lí luận. Một người luôn trăn trở và hành động vì lợi ích của dân tộc và cách mạng.

"Có lần, tôi hỏi: “Chú nói rất hay, nhưng tại sao đến thời điểm này mới phát biểu, mà không sớm hơn, khi còn tại vị? Phải chăng vì vị trí ấy có quá nhiều ràng buộc mà chú không thể vượt qua?". Ông trầm ngâm…

TS Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn:

Con người dám vượt ngưỡng để làm điều cho là đúng

Sự ra đi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một mất mát lớn với tôi; như là mất một người rất thân thiết trong gia đình.

TS Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn: Cha tôi thường nói, Võ Văn Kiệt là "con người của hành động".
Trong nhiều năm, tôi đã thường xuyên chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình với ông, hơn cả với cha tôi (cố Tổng bí thư Lê Duẩn) khi ông cụ còn sống.

Tôi biết ông và gia đình từ rất lâu. Hồi nhỏ tôi đi sơ tán cùng Hiếu Dân - con gái của chú Sáu Dân (tên thường gọi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Khi học ở trường Nguyễn Văn Trỗi, tôi lại quen biết con trai của gia đình là Võ Dũng, một chàng trai đẹp trai, cao to và đặc tính anh Hai Nam Bộ, người thích giúp đỡ, chở che bọn đàn em chúng tôi.

Dù có mối liên kết từ nhỏ với gia đình như vậy, nhưng chỉ khi chú Sáu Dân về hưu, tôi mới có điều kiện gần gũi hơn bởi không muốn mang tiếng “quen để nhờ cậy”.  

…Cha tôi thường nói về Võ Văn Kiệt là “con người của hành động”. Ông  không phải là con người nặng về lí luận. Một người luôn trăn trở và hành động vì lợi ích của dân tộc và cách mạng.

Đó là một nhà cách mạng thực sự. Rõ nhất là ở chỗ, ông ít khi chấp nhận lối mòn trong tư duy và hành động.  

Tôi đã chứng kiến và biết một số chuyện cho thấy ông là con người dám vượt qua ngưỡng, vượt qua khuôn khổ hình thức và tư duy để đạt được cái gì ông cho là đúng. 

Trong thời điểm ĐH 10 đang diễn ra, tôi nhận được điện thoại của ông. Ông hỏi: “Hay là cậu tự ứng cử ủy viên Trung ương?" Tôi giật mình. Hơn ai hết, ở vị trí đó, ông hiểu rõ quy trình tổ chức hoạt động của Đảng không cho phép một hành động vượt ra khỏi tổ chức như vậy. Điều này đủ thấy ông là con người không hề câu nệ.

Với người cách mạng, nếu câu nệ sẽ mất chất cách mạng, phải luôn vượt lên trên những cái bình thường để làm cái gì mới, vì cái đúng có thể vượt qua tất cả.

 

"Với người cách mạng, nếu câu nệ sẽ mất chất cách mạng, phải luôn vượt lên trên những cái bình thường để làm cái gì mới, vì cái đúng có thể vượt qua tất cả"

Khi còn là Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, ông thường đến nói chuyện với thanh niên, không nói lí luận sách vở mà kể về những câu chuyện sinh động trong cuộc sống, nhờ đó có sức lôi cuốn đặc biệt. Sự lôi cuốn của ông ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, ngoài phong cách, tác phong, ý tưởng mới ra, là nhờ sự lan tỏa của nhiệt huyết sống.

Nhiệt huyết sống, ý chí khẳng định cái mới đó, đã giúp ông vượt qua nhiều lực cản để thực hiện được những thành công lớn trong quá trình tham gia lãnh đạo đất nước ở nhiều cương vị khác nhau.

Ở ông cũng có một bản lĩnh để có những ứng xử hiếm thấy, như sẵn sàng vào Hỏa Lò trao huân chương, rót rượu cho một người cấp dưới (một trong những người chủ chốt xây dựng đường dây 500 KV) bị rơi vào vòng lao lý.  

Về hưu, nhiều người chọn lối sống “mũ ni che tai”, còn ông thì khác. Ông không thoát ra khỏi mối toan lo cho sự nghiệp đất nước. Ông luôn phản biện, từ chuyện nhà Quốc hội, phát triển đô thị, mở rộng Hà Nội, chăm lo đời sống người nghèo… dù rằng, những ý kiến của ông không phải lúc nào cũng được lắng nghe.

Có lần, tôi hỏi: “Chú nói rất hay, nhưng tại sao đến thời điểm này mới phát biểu, mà không sớm hơn, khi còn tại vị? Phải chăng vì vị trí ấy có quá nhiều ràng buộc mà chú không thể vượt qua?". Ông trầm ngâm…

Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo thường xuyên nói chuyện với thanh niên và có sự lôi cuốn đặc biệt. Sự lôi cuốn của ông ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, ngoài phong cách, tác phong, ý tưởng mới ra, là nhờ sự lan tỏa của nhiệt huyết sống.


Nhiều lần gặp, ông vẫn thường chia sẻ với tôi nỗi băn khoăn, trước đây, có rất nhiều điều ông trao đổi với cha tôi (lúc ấy đang ở cương vị Tổng bí thư của Đảng), cha tôi đồng ý nhưng vẫn không triển khai thực tế được. Điều gì đã cản trở ý tưởng đổi mới của cá nhân ông thành hiện thực một cách sớm hơn? Đó là điều ông luôn day dứt và đặt câu hỏi.

Một dịp Tết khi ông còn tại vị, tôi đưa con trai đến thăm ông, ông nói với cháu: “Sau này lớn lên, cháu làm gì thì làm, nhưng đừng làm Thủ tướng”.

Những cuộc nói chuyện với ông càng củng cố thêm trong tôi một ý nghĩ: Dù ở cương vị cao đến đâu, không phải lúc nào người ta cũng dễ dàng thực hiện được những ý tưởng tốt đẹp của mình, nếu thời cơ chưa chín…

Mô tả ảnh.

Ông Vũ Quốc Tuấn: "Băn khoăn lớn nhất của ông Sáu Dân là làm thế nào thu hút được người tài". Ảnh: Lê Nhung

Ông Vũ Quốc Tuấn, trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1985 - 1994):

Mọi quyết sách của ông đều đi từ thực tiễn

Tôi gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào năm 1985, khi đang làm TBT Tạp chí Kế Hoạch Hóa của Bộ KH và ĐT. Ông Sáu Dân khi đó đang làm Chủ nhiệm UB Kế hoạch Nhà nước, do đọc được một số bài báo của tôi nên đã hẹn gặp. Ban đầu chỉ định nói chuyện một tiếng đồng hồ, nhưng rồi lại nói hết cả buổi sáng và thế là tôi trở thành trợ lý cho ông Kiệt.

"Bà cứ làm tới đi, bà vào tù tôi đi đưa cơm cho bà"

Đầu những năm 1980, khi đó ông Sáu Dân còn làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. Do cơ chế tập trung quan liêu nên cùng với việc sản xuất đình đốn là người dân TP. HCM không có gạo, phải ăn bo bo.

Ông Sáu biết rõ, ĐBSCL không thiếu gạo. Dân TP không đến nỗi không có tiền để mua. Vậy mà mua không được, bán không xong, vì cơ chế lúc đó bắt buộc phải mua theo giá chỉ đạo của Nhà nước là 0,52 đồng/kg. Nông dân không bán, công ty lương thực không mua được thóc. Trong khi thóc vẫn còn. Thành phố lại không được phép đi thu mua lương thực từ các địa phương khác.

Ông Kiệt tuyên bố: "Không thể để một người dân nào của thành phố thiếu đói!". Vì công ty lương thực không thể xé rào đi buôn gạo nên ông Kiệt đã đồng ý cho phép bà Ba Thi, GĐ Công ty lương thực miền Nam đứng ra thu mua.

Mua giá nhà nước thì sẽ không ai bán, vì vậy quyết định xé rào, lấy tiền từ ngân sách cho cá nhân đi mua gạo về cho nhà nước là sai.  Ông Sáu Dân nói: "Bà cứ làm tới đi, nếu bà vào tù, tôi sẽ đi đưa cơm cho bà".

 
"Nhưng trong cơ chế của VN thời kỳ đó, một con người như ông đã phát huy hết tác dụng hay chưa? Tôi cho rằng ông vẫn có thể làm được nhiều việc hơn nữa, vì cơ chế của chúng ta khiến cho Thủ tướng cũng không thể tự ra quyết định"
Ông Sáu là người rất sát thực tế. Mọi quyết sách của ông đều đi từ thực tiễn. Có dịp đi cùng ông xuống địa phương, mới biết, ông chú ý nắm bắt tâm tư bà con, rồi dùng thực tế đó để thuyết phục các lãnh đạo cấp huyện, tỉnh.

Hồi mới ở TP ra Trung ương, ông chưa bắt tay vào làm việc ngay mà dành hẳn sáu tháng để đi khắp các huyện miền Bắc "Tôi phải đi để nắm tình hình thực tế", ông nói.

Ngay trong việc ông có công cải tạo, thau chua rửa phèn cho vùng Đồng Tháp Mười cũng gặp phải nhiều ý kiến nghi ngại, như tại sao không cải tạo ĐB sông Hồng? Nhưng ông Sáu vẫn khẳng định quyết tâm có thể cải tạo được và thực tế nơi đây từ một vụ lúa thành hai vụ, năng suất cao nhất cả nước.

Người tập hợp trí thức

Hầu hết những quyết định mà ông Sáu đưa ra đều dựa trên cơ sở khoa học. Là vì ông biết tập hợp trí tuệ của các nhân sĩ, trí thức, lắng nghe họ. Từ thời làm Bí thư Thành ủy TP. HCM, ông đã thành lập và tổ chức được nhiều nhóm, quy tụ được nhiều trí thức của chế độ cũ, tin tưởng và giao việc cho họ.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự lễ khánh thành đường dây tải điện 500 KV Bắc Nam.
Chẳng hạn, nhóm nghiên cứu kinh tế do TS Nguyễn Xuân Oánh đứng đầu, nhóm Thứ Sáu, cũng tập hợp nhiều trí tuệ như Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn. Các nhóm nghiên cứu này đã đề xuất được nhiều sáng kiến cho TP. Với ông  Sáu, anh em trí thức thường nói chuyện thẳng thắn, thoải mái. 

Khi ông Kiệt ra Hà Nội giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, vào giữa năm 1986, ông nghe nói nhóm Thứ Sáu nghiên cứu các vấn đề về ngân hàng, về chống lạm phát có nhiều ý hay, ông cho mời ra Hà Nội và đưa họ vào trình bày thẳng các ý tưởng của họ trước Chính phủ. Và ông trực tiếp chỉ đạo, nghiên cứu, sau bốn tháng hình thành văn bản dự thảo về hai pháp lệnh ngân hàng.

Ông biết dùng người, biết lắng nghe và tôn trọng những ý kiến khác biệt... Băn khoăn lớn nhất của ông là làm thế nào để chấn hưng và có thể thu hút được người tài, thực hiện khoan dung hòa hợp dân tộc, phát huy sức mạnh của toàn dân vào công cuộc đổi mới.

Năm 1993, khi họp mặt Việt kiều ở TP.HCM, ông Kiệt đã khẳng định: "Đoàn kết tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, chính kiến". Ông không phải là người khai phá nhưng là một nhà lãnh đạo có công lớn thúc đẩy công cuộc đổi mới.

Nhưng trong cơ chế của VN thời kỳ đó, một con người như ông đã phát huy hết tác dụng hay chưa? Tôi cho rằng ông vẫn có thể làm được nhiều việc hơn nữa. Vì, thứ nhất, cơ chế của chúng ta phải có sự thỏa thuận tập thể. Đây là cơ chế khiến cho Thủ tướng cũng không thể tự ra quyết định.

Thứ hai, một con người như ông đòi hỏi bộ máy thích ứng, nhưng bộ máy đã không chuyển biến kịp để biến những ý định của ông thành hành động cụ thể.

Quyết đoán

Ông Sáu Dân mất vào thời điểm này rất đáng tiếc vì đất nước đang ở vào bước ngoặt cơ bản của phát triển, cần có những bộ óc sáng suốt, những con người có tầm suy nghĩ chiến lược, dám nói, dám làm.

Ngoài những thành tựu như thau chua rửa mặn cho Đồng Tháp Mười, tầm nhìn chiến lược thể hiện ở thành công của đường dây 500 KV Bắc - Nam.

Ban đầu, ai cũng phản đối quyết định này. Đưa ra trước QH, có ĐB phân vân về khía cạnh khoa học, kỹ thuật của đường dây... Thậm chí có vị ĐB là GS. TS vẫn phát biểu thế giới chỉ làm khoảng 500km là cùng.

Nhưng để ra được quyết định này, ông Sáu Dân đã đi hỏi ý kiến ở nhiều nơi, nhiều người, nhiều chuyên gia, như GS.VS Trần Đình Long, Hồ Sĩ Thoảng...

Trong khi QH đang họp, công trình đã khởi công ở Hòa Bình. Với cách làm cuốn chiếu, song song, khởi công đồng loạt nhưng chia ra nhiều chặng để giao nối được với nhau nên tiến độ rất nhanh, theo kiểu đánh du kích, chỉ hai năm đã xong.

Con người quyết đoán ấy cũng là người rạch ròi công - tội. Người ta vẫn kể lại chuyện ông Sáu mang kỷ niệm chương 500 KV cho ông Vũ Ngọc Hải khi đó đang bị tù.

Ông nói, tội anh Hải, pháp luật sẽ xử lý, nhưng anh Hải là người có công lớn trong việc thực hiện thi công đường dây 500 KV, là người tận tụy và trách nhiệm với công việc.

Sự ra đi của ông Sáu vào thời điểm này là một tổn thất lớn khó bù đắp, không dễ để có được một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một bộ óc tư duy chiến lược vĩ đại. Ông cũng là người của nhân dân, sống rất có tình, nhân hậu, gần gũi và chan hòa với mọi tầng lớp.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,829

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn