Vụ tranh chấp hy hữu ở Hóc Môn: Con dâu đã ly hôn chiếm đoạt nhà hương hoả bên chồng

13/11/2009 11:30 AM

Mặc dù không có di chúc thừa kế tài sản của cha mẹ để lại và không được sự đồng ý của năm anh chị em trong gia đình, thế nhưng từ năm 2001 ông Lâm Ngọc Khanh và bà Lưu Thị Ái Liên vẫn có thể “hoàn tất thủ tục” xin cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở ...

Mặc dù không có di chúc thừa kế tài sản của cha mẹ để lại và không được sự đồng ý của năm anh chị em trong gia đình, thế nhưng từ năm 2001 ông Lâm Ngọc Khanh và bà Lưu Thị Ái Liên vẫn có thể “hoàn tất thủ tục” xin cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở (CNQSHN & QSDĐƠ) để chiếm đoạt căn nhà hương hoả số 67/3 đường Hà Nội, ấp Trung Chánh 1, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn. Bà Liên và ông Khanh đã chấm dứt quan hệ vợ chồng (có quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn của TAND huyện Hóc Môn ngày 22-6-2000) nhưng hai người vẫn được đứng tên chủ sở hữu nhà và đất ở do UBND huyện Hóc Môn cấp ngày 6-9-2001). Sau ngày ông Khanh mất, bà Lưu Thị Ái Liên treo bảng bán căn nhà, từ đó đã phát sinh tranh chấp...

Bà Lâm Thị Bích Liên cho biết, căn nhà này là tài sản của cha mẹ bà là ông Lâm Văn Khoa và bà Phạm Thị Chai lúc sinh thời đã tạo lập. Năm 1988, cả cha và mẹ bà lần lượt qua đời, không để lại di chúc. Sau đó, do điều kiện mưu sinh lập nghiệp ở xa, năm anh chị em trong gia đình nhất trí giao căn nhà trên cho vợ chồng ông Khanh ở và lo việc thờ cúng cha mẹ. Đến ngày 22-6-2007, mọi người giật mình khi hay tin bà Lưu Thị Ái Liên đang rao bán nhà. Tiếp theo đó, mọi người phát hiện việc ly hôn giữa ông Khanh và bà Liên đã xảy ra từ năm 2000, cũng như việc họ giả mạo chữ ký của mẹ và năm anh chị em trong gia đình để chiếm đoạt căn nhà... Vụ kiện đã được toà án hai cấp sơ và phúc thẩm thụ lý xét xử.


Anh chị em bà Lâm Thị Bích Liên trong căn nhà hương hoả của cha mẹ

Bản án dân sự sơ thẩm số 38/2009 ngày 27-2-2009 và bản án dân sự phúc thẩm TAND TPHCM số 819 ngày 19-5-2009 đã tuyên: ngày 6-6-1988, bà Chai và các con (Liên, Yến, Dũng, Kiệt) có lập giấy ủy quyền chấp thuận cho ông Khanh được thừa kế, sở hữu toàn bộ căn nhà của cha mẹ để lại (có xác nhận của bà Phạm Thị Bích Mai - Trưởng ban ấp Trung Chánh 1 - dì ruột của bà Lưu Thị Ái Liên và Chủ tịch UBND xã Trung Chánh tại thời điểm đó xác nhận), ông Khanh - bà Liên được xác lập quyền sở hữu do được thừa kế từ năm 1988 là hợp pháp. Đã nhiều lần năm anh chị em bà Lâm Thị Bích Liên gửi đơn khiếu nại về việc bà Lưu Thị Ái Liên cung cấp tài liệu, chứng cứ giả mạo cho toà án. Đó là các chữ ký trong giấy ủy quyền ngày 6-6-1988 và trong biên bản nhận vàng ngày 10-10-1991 đều là những chữ ký giả. Bà Chai lúc sinh thời không biết chữ, năm anh chị em bà Lâm Thị Bích Liên đều chưa từng đặt bút ký vào bất kỳ một văn bản nào thỏa thuận về việc phân chia hay nhường quyền sở hữu căn nhà trên cho ông Khanh. Từ đó, bà Lâm Thị Bích Liên và các anh chị em đã đồng loạt yêu cầu toà án sơ thẩm và phúc thẩm cho tạm hoãn phiên toà, trưng cầu giám định chữ ký theo luật định. Tuy nhiên, thẩm phán thụ lý vụ án của toà án hai cấp đã bác bỏ những yêu cầu chính đáng của nguyên đơn, để đi đến kết luận một cách phiến diện là căn nhà được xác lập quyền sở hữu cho ông Khanh do thừa kế năm 1988 có thể hiện ý chí của cha mẹ và tất cả anh chị em. Điều nghịch lý nữa ở đây là theo điều 142 và 147 Bộ luật Dân sự về đại diện theo ủy quyền và chấm dứt đại diện theo ủy quyền của cá nhân thì việc ủy quyền (nếu có) cũng đã chấm dứt khi người ủy quyền (là bà Phạm Thị Chai) đã chết vào năm 1988. Vì vậy không thể đồng nhất giữa hai nội dung là ủy quyền và di chúc làm một, để cho rằng ông Lâm Ngọc Khanh được hưởng thừa kế di chúc. Mặt khác, việc toà sơ thẩm và phúc thẩm cho rằng thời hiệu chia thừa kế đã hết và các đương sự không có văn bản nào thỏa thuận đây là tài sản chung chưa chia để bác yêu cầu chia tài sản chung của anh chị em bà Lâm Thị Bích Liên đối với căn nhà của cha mẹ để lại là không đúng. Ngoài ra, việc toà sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ vào công văn số 189/QLĐT của UBND huyện Hóc Môn để nhận định rằng việc UBND huyện Hóc Môn cấp giấy CNQSHN & QSDĐƠ ngày 6-9-2001 cho ông Khanh - bà Liên là đúng nên bác yêu cầu của anh chị em bà Lâm Thị Bích Liên là hoàn toàn thiếu sức thuyết phục. Tại sao biết rằng việc UBND huyện Hóc Môn cấp giấy CNQSHN & QSDĐƠ cho ông Khanh - bà Liên là dựa trên các chứng cứ tài liệu do ông Khanh - bà Liên cung cấp khi hợp thức hoá nhà đất, trong khi các tài liệu chứng cứ này đang bị các anh chị em của bà Lâm Thị Bích Liên tố cáo là giả mạo mà toà án hai cấp lại dễ dàng bỏ qua không cho trưng cầu giám định để xác định tính xác thực của chứng cứ? Việc kết luận của toà án sơ thẩm là buộc bà Lâm Thị Hồng Yến (em út của ông Khanh) phải giao trả toàn bộ căn nhà cho bà Lưu Thị Ái Liên và Lâm Ngọc Thùy Đan (người có quyền lợi liên quan của ông Lâm Ngọc Khanh), bác yêu cầu của các đương sự Lâm Thị Bình, Lâm Thị Bích Liên, Lâm Thị Hồng Yến, Lâm Tấn Kiệt, Lâm Văn Dũng đòi chia thừa kế và tài sản chung đối với căn nhà số 67/3 đường Hà Nội, ấp Trung Chánh 1, xã Trung Chánh... là thiếu căn cứ và không đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, toà án hai cấp cho rằng trong di chúc ông Khanh được định đoạt 1/2 khối di sản là không đúng. Vì thực tế bà Phạm Thị Chai sinh được sáu người con, do vậy khi bà Chai chết thì tài sản sẽ được chia đều cho 6 người, mỗi người được hưởng 1/6 di sản thừa kế. Cho nên, ông Khanh chỉ được định đoạt 1/6 khối tài sản chung mà thôi...

Căn cứ theo bản án dân sự phúc thẩm - TAND TPHCM số 819 ngày 19-5-2009 của TAND TPHCM, ngày 19-10-2009, Đội Thi hành án huyện Hóc Môn đã có quyết định cưỡng chế trục xuất bà Lâm Thị Hồng Yến dù rằng theo di chúc của ông Lâm Ngọc Khanh lập ngày 24-7-2007 (có xác nhận của UBND xã Trung Chánh), bà Yến và con gái là Lâm Ngọc Thùy Đan được thừa kế căn nhà (?). Trước nguy cơ mất nhà, chị em bà Yến đang lo lắng không biết hài cốt của cha mẹ rồi sẽ đi về đâu...

Trước việc quyền lợi chính đáng của chị em bà Yến bị xâm hại nghiêm trọng, chúng tôi đề nghị TAND TPHCM nên sớm đưa vụ án ra xét xử lại một cách công bằng, thấu tình đạt lý nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 842

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn