Quốc hội thảo luận Báo cáo giám sát chất lượng giáo dục đại học

07/06/2010 13:38 PM

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu ra một bức tranh toàn diện về công tác giáo dục đại học hiện nay với những thành tựu và hạn chế cần sớm được khắc phục.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu ra một bức tranh toàn diện về công tác giáo dục đại học hiện nay với những thành tựu và hạn chế cần sớm được khắc phục.

Chất lượng giáo dục đại học ngày càng được nâng cao

Sáng nay (7/6), Quốc hội đã họp phiên toàn thể nghe Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với cơ sở giáo dục đại học”.

Đây là một nội dung trong Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010. Đoàn giám sát của UBTVQH đã tổ chức khảo sát thực tiễn tại một số địa phương, bộ, ngành và cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trong cả nước, đã thực hiện 3 đợt khảo sát tại 3 vùng miền.

 Tăng về số lượng trường

 Theo Báo cáo do GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát của UBTVQH trình bày, trong những năm qua GDĐH đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến mạnh vào thời kỳ CNH-HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Cụ thể, qua hơn 10 năm, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã từng bước được bổ sung, đổi mới, góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về GDĐH. Nhà nước thực hiện ưu tiên đầu tư cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng ở mức cao (20% tổng chi ngân sách nhà nước) và tăng hằng năm theo nhịp độ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa GDĐH đã thu được kết quả ban đầu đáng khích lệ với việc mở rộng hệ thống trường ngoài công lập, thu hút được nguồn lực xã hội đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục đại học.

Từ 1998 đến 2009, đã có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó có 230 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn (từ trường trung cấp chuyên nghiệp lên trường CĐ, từ trường CĐ lên trường ĐH).

Năm 1997, cả nước mới chỉ có 15 trường ĐH ngoài công lập, đến hết tháng 9/2009 con số này là 78 trường, tăng 5,2 lần.

Đến nay, đã có 62/63 tỉnh, thành có ít nhất 1 trường ĐH hoặc CĐ. Tổng quy mô đào tạo ĐH, CĐ năm học 2008 - 2009 là 1,7 triệu sinh viên, tăng 13 lần so với năm 1987. Tỷ lệ SV/số dân năm 1997 là 80 SV/1vạn dân thì đến năm 2009 là 195 SV/1 vạn dân, và năm 2010 có thể đạt 200 SV/1 vạn dân.

Thời gian gần đây, Chính phủ và ngành Giáo dục đã có nhiều chỉ đạo mạnh mẽ về công tác quản lý giáo dục nên đã tạo được chuyển biến bước đầu trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, được xã hội ủng hộ và tạo động lực cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy hết tiềm năng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.

Nhưng chất lượng còn hạn chế

Theo Đoàn giám sát, bên cạnh những thành tựu quan trọng nêu trên, giáo dục đại học nước ta vẫn đang còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém, bất cập cần sớm được khắc phục để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Đó là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chậm được ban hành, thiếu đồng bộ và cụ thể. Việc thành lập, nâng cấp hoặc chuyển từ đào tạo chuyên ngành sang đào tạo đa ngành không đáp ứng được các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Việc mở trường, mở ngành tràn lan dẫn tới tình trạng mất cân đối về hình thức, trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu vùng miền.

Hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn chế. Chất lượng giáo dục đại học nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Trong khi quy mô đào tạo ở tất cả các bậc học và hệ đào tạo tăng nhanh thì các điều kiện cơ bản bảo đảm chất lượng đào tạo không theo kịp.

Mặt khác, đội ngũ cán bộ, giảng viên còn thiếu và yếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị kém, suất đầu tư cho sinh viên còn thấp, chất lượng tuyển sinh đầu vào chưa cao.

Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật

Đề cập đến nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, Báo cáo giám sát cho rằng những bất cập trên có nguyên nhân từ trình độ phát triển thấp của KT-XH nước ta. Bên cạnh đó là năng lực tài chính hạn hẹp của ngân sách nhà nước không cho phép tăng đầu tư để đảm bảo đủ chi phí cho GDĐT...

“Hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của GDĐT”, GS. Đào Trọng Thi cho hay.

Qua đợt giám sát này, Đoàn giám sát cũng kiến nghị Quốc hội sớm cho xây dựng Luật Giáo dục đại học để thống nhất và luật hóa các vấn đề về quản lý hệ thống giáo dục đại học. Trước mắt, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về giáo dục đại học sau khi giám sát để tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc về cơ chế nhằm quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong giai đoạn hiện nay.

“Trong việc thành lập trường và bảo đảm chất lượng đào tạo, đề nghị Chính phủ dành ưu tiên cho việc thành lập các trường ngoài công lập có vốn đầu tư lớn. Chỉ mở thêm các trường ĐH, CĐ công lập của địa phương khi ngân sách địa phương đủ đầu tư cho nhà trường để bảo đảm chất lượng đào tạo”, Báo cáo giám sát nêu rõ.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng kiến nghị Chính phủ cần báo cáo Quốc hội về chủ trương phát triển, lộ trình đầu tư, lộ trình hoạt động và triển vọng tác động tích cực vào nền giáo dục đại học Việt Nam của các trường đại học xuất sắc liên kết giữa Chính phủ ta với Chính phủ các nước Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,061

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn