Chính sách mới >> Tài chính 17/05/2024 14:29 PM

Các biện pháp can thiệp, bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
17/05/2024 14:29 PM

Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp nào? – Công Phúc (TPHCM)

Các biện pháp can thiệp, bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước

Các biện pháp can thiệp, bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (Hình từ internet)

Các biện pháp can thiệp, bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Đồng thời theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước chính là cơ quan có trách nhiệm thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng khi giá vàng tăng cao, biến động mạnh thông qua các biện pháp sau đây:

- Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

- Tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ. Chi phí tổ chức sản xuất vàng miếng được hạch toán vào chi phí hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.

- Thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, theo tiểu mục c Mục 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 20/NQ-CP năm 2024, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 1426/CĐ-TTg năm 2023.

Xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng

Ngày 07/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 65/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024. Trong đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:   

 - Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường trong trường hợp cần thiết, cân đối hài hòa giữa điều hành tỷ giá và lãi suất. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động ngân hàng số và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng.

- Chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả, khả thi, kịp thời, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội; phát huy vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 123/TB-VPCP ngày 27/3/2024 của Văn phòng Chính phủ.

- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững. Khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), bảo đảm cùng thời điểm thi hành với Luật.

- Thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn các giải pháp để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng...

- Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đồ án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Khẩn trương hoàn thành phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, trình Chính phủ xem xét, quyết định; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Xem chi tiết Nghị quyết 65/NQ-CP ngày 07/5/2024.

Hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng

Hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng bao gồm:

- Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp.

- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

- Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

- Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

- Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định này.

- Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.

- Vi phạm các quy định khác tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

(Theo Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP)

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,242

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn