Một số quy định cần biết về hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
18/10/2023 13:31 PM

Xin hỏi về một số quy định quan trọng cần biết về hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) trong lĩnh vực đầu tư? - Nhật Minh (TPHCM)

Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.

Dưới đây là một số quy định cần biết về hợp đồng BCC trong lĩnh vực đầu tư:

Quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

- Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

- Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật này.

- Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.

Căn cứ: Điều 27 Luật Đầu tư 2020.

Một số quy định cần biết về hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC)

Một số quy định cần biết về hợp đồng BCC (Hình từ internet)

Nội dung chủ yếu trong hợp đồng BCC

Căn cứ Điều 28 Luật Đầu tư 2020 thì hợp đồng BCC bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

- Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;

- Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;

- Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;

- Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;

- Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;

- Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;

- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.

Quy định thành lập văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC

Căn cứ Điều 49 Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC được thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam để thực hiện hợp đồng. Địa điểm văn phòng điều hành do nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC quyết định theo yêu cầu thực hiện hợp đồng.

Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC có con dấu; được mở tài khoản, tuyển dụng lao động, ký hợp đồng và tiến hành các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quyền và nghĩa vụ quy định tại hợp đồng BCC và Giấy chứng nhận đăng ký thành lập văn phòng điều hành.

Nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC nộp hồ sơ đăng ký thành lập văn phòng điều hành tại cơ quan đăng ký đầu tư nơi dự kiến đặt văn phòng điều hành.

Hồ sơ đăng ký thành lập văn phòng điều hành bao gồm:

- Văn bản đăng ký thành lập văn phòng điều hành gồm: tên và địa chỉ văn phòng đại diện tại Việt Nam (nếu có) của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC; tên, địa chỉ văn phòng điều hành; nội dung, thời hạn, phạm vi hoạt động của văn phòng điều hành; họ, tên, nơi cư trú, số Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu của người đứng đầu văn phòng điều hành;

- Quyết định của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC về việc thành lập văn phòng điều hành;

- Bản sao quyết định bổ nhiệm người đứng đầu văn phòng điều hành;

- Bản sao hợp đồng BCC.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành cho nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC.

Quy định về chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC

Căn cứ Điều 50 Luật Đầu tư 2020 thì trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành, nhà đầu tư nước ngoài gửi hồ sơ thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi đặt văn phòng điều hành.

Hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành bao gồm:

- Quyết định chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành trong trường hợp văn phòng điều hành chấm dứt hoạt động trước thời hạn;

- Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán;

- Danh sách người lao động, quyền và lợi ích của người lao động đã được giải quyết;

- Xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế;

- Xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc đã hoàn thành nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội;

- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành;

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

- Bản sao hợp đồng BCC.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,456

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn