Trường hợp nào Quản tài viên bị thu hồi chứng chỉ hành nghề?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
22/11/2023 18:00 PM

Xin cho tôi hỏi trường hợp nào Quản tài viên bị thu hồi chứng chỉ hành nghề? - Văn Công (Kiên Giang)

Trường hợp nào Quản tài viên bị thu hồi chứng chỉ hành nghề? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quản tài viên là ai?

Theo khoản 7 Điều 4 Luật Phá sản 2014 quy định Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.

2. Trường hợp nào Quản tài viên bị thu hồi chứng chỉ hành nghề?

Căn cứ Điều 15 Luật Phá sản 2014 quy định người đã được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên:

- Là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

- Bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật;

- Bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, kiểm toán viên;

- Bị thay đổi do vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Phá sản 2014; Có căn cứ chứng minh Quản tài viên không khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ trong hai vụ việc phá sản trở lên.

3. Những hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2015/NĐ-CP, những hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên bao gồm:

- Cho thuê, cho mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản;

- Gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản hoặc lợi dụng danh nghĩa Quản tài viên để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí Quản tài viên được nhận theo quy định của pháp luật;

- Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để thông đồng với cá nhân, tổ chức nhằm mục đích vụ lợi;

- Tiết lộ thông tin về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà Quản tài viên biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được doanh nghiệp, hợp tác xã đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

- Các hành vi khác trái với quy định của pháp luật, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Quản tài viên.

Như vậy, nghiêm cấm Quản tài viên thực hiện các hành vi nêu trên. 

4.  Nghĩa vụ của Quản tài viên trong hoạt động hành nghề

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 22/2015/NĐ-CP, nghĩa vụ của quản tài viên trong hoạt động hành nghề bao gồm:

- Tuân thủ nguyên tắc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, cụ thể:

+ Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

+ Tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Quản tài viên.

+ Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, tính trung thực, minh bạch, khách quan.

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động hành nghề.

- Chịu trách nhiệm về hoạt động nghề nghiệp của mình theo quy định của pháp luật về phá sản.

- Ký báo cáo, văn bản về kết quả thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về phá sản.

- Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật đối với trường hợp Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân.

- Báo cáo Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký hành nghề về hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Phá sản và pháp luật có liên quan.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 406

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn