Năm 2024, mức phạt hành chính nếu để xảy ra cháy nổ là bao nhiêu tiền?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
23/04/2024 16:16 PM

Hiện nay đang trong mùa khô, tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp. Vậy mức phạt hành chính nếu để xảy ra cháy nổ là bao nhiêu tiền? - Ngọc Anh (Bến Tre)

Mức phạt hành chính nếu để xảy ra cháy nổ

Mức phạt hành chính nếu để xảy ra cháy nổ (Hình từ internet)

Năm 2024, mức phạt hành chính nếu để xảy ra cháy nổ là bao nhiêu?

Căn cứ Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, đối với hành vi vi phạm trong việc để xảy ra cháy nổ thì có thể bị xử lý như sau:

(1) Mức phạt hành chính áp dụng với cá nhân vi phạm

Theo khoản 1 Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt hành chính tương ứng với từng trường hợp thiệt hại về tài sản cụ thể nêu sau đây:

(i) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.

(ii) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

(iii) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

(iv) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng.

- Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%.

- Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.

(2) Mức phạt hành chính áp dụng với tổ chức vi phạm

Thêm vào đó, căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền quy định tại Mục (1) nêu trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân.

Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, đối với tổ chức mức phạt tiền tương ứng với từng trường hợp như sau:

(i) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.

(ii) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

(iii) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

(iv) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng.

- Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%.

- Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.

(3) Biện pháp khắc phục hậu quả

Căn cứ khoản 2 Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, đối với hành vi vi phạm quy định tại gạch đầu dòng thứ hai và thứ ba khoản (iv) Mục (1) và gạch đầu dòng thứ hai và thứ ba khoản (iv) Mục (2) nêu trên, ngoài việc phạt tiền, buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thiệt hại.

Nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy

Theo Điều 4 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001, nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy bao gồm những nội dung sau:

(i) Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

(ii) Trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.

(iii) Phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.

(iv) Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

Châu Huệ Mẫn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 390

Bài viết về

lĩnh vực Phòng cháy chữa cháy

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn