Thủ tục hủy hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo Thông tư 80/2021/TT-BTC

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
25/04/2024 12:02 PM

Cho tôi hỏi thủ tục hủy hồ sơ đề nghị hoàn thuế hiện nay được hướng dẫn như thế nào? - Bích Thy (Cần Thơ)

Thủ tục hủy hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo Thông tư 80/2021/TT-BTC

Thủ tục hủy hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo Thông tư 80/2021/TT-BTC (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thủ tục hủy hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo Thông tư 80/2021/TT-BTC

Thủ tục hủy hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo khoản 3 Điều 32 Thông tư 80/2021/TT-BTC như sau:

- Người nộp thuế đã gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế, nếu người nộp thuế có nhu cầu hủy hồ sơ thì phải có Văn bản đề nghị hủy hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo mẫu số 01/ĐNHUY ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC

Mẫu số 01/ĐNHUY

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Văn bản đề nghị hủy hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế, cơ quan thuế giải quyết hồ sơ hoàn thuế gửi Thông báo về việc chấp nhận hồ sơ đề nghị hủy hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo mẫu số 02/TB-HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC cho người nộp thuế, đồng thời đóng hồ sơ đề nghị hoàn trên sổ ghi hồ sơ của cơ quan thuế.

Mẫu số 02/TB-HT

- Người nộp thuế được khai điều chỉnh số thuế đề nghị hoàn để chuyển khấu trừ tiếp vào tờ khai thuế của kỳ kê khai tiếp theo kể từ thời điểm có Thông báo về việc chấp nhận hồ sơ đề nghị hủy hồ sơ đề nghị hoàn thuế, nếu đáp ứng đủ điều kiện kê khai, khấu trừ hoặc nộp lại hồ sơ đề nghị hoàn thuế.

- Trường hợp cơ quan thuế đã công bố quyết định kiểm tra trước hoàn thuế thì người nộp thuế không được gửi Văn bản đề nghị hủy hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Cơ quan thuế xử lý hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế theo quy định tại Điều 110 Luật Quản lý thuế 2019 và Chương VIII Thông tư 80/2021/TT-BTC.

2. Hướng dẫn phân loại hồ sơ hoàn thuế

Theo Điều 33 Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn về phân loại hồ sơ hoàn thuế như sau:

* Hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế là hồ sơ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

** Hồ sơ của người nộp thuế đề nghị hoàn thuế lần đầu của từng trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Trường hợp người nộp thuế có hồ sơ hoàn thuế gửi cơ quan quản lý thuế lần đầu nhưng không thuộc diện được hoàn thuế theo quy định thì lần đề nghị hoàn thuế kế tiếp vẫn xác định là đề nghị hoàn thuế lần đầu. Các trường hợp cụ thể như sau:

- Trường hợp hoàn theo quy định pháp luật thuế giá trị gia tăng bao gồm:

+ Hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ dự án đầu tư;

+ Hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu;

+ Hoàn thuế giá trị gia tăng đối với chương trình, dự án ODA viện trợ không hoàn lại;

+ Hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ mua trong nước bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức nước ngoài.

- Hoàn thuế lần đầu theo quy định của pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Hoàn thuế lần đầu đối với từng hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam theo quy định của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Điều ước quốc tế khác mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

** Hồ sơ của người nộp thuế đề nghị hoàn thuế trong thời hạn 02 năm kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế;

Trường hợp người nộp thuế có nhiều lần đề nghị hoàn thuế trong thời hạn 02 năm, nếu trong lần đề nghị hoàn thuế đầu tiên tính từ sau thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế, cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế không có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn quy định tại Điều 142 Luật Quản lý thuế 2019, hoặc hành vi trốn thuế quy định tại Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019 thì những lần đề nghị hoàn thuế tiếp theo, hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế không thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế. 

Trường hợp phát hiện những lần đề nghị hoàn thuế tiếp theo, người nộp thuế có hành vi khai sai đối với hồ sơ hoàn thuế, hành vi trốn thuế quy định tại Điều 142, Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019 thì hồ sơ đề nghị hoàn thuế vẫn thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế theo đúng thời hạn 02 năm, kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế.

** Hồ sơ hoàn thuế khi giao và chuyển giao (đối với doanh nghiệp nhà nước), giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, bán đối với tổ chức, doanh nghiệp;

Trường hợp người nộp thuế theo quy định tại điểm này thuộc diện kiểm tra quyết toán thuế để chấm dứt hoạt động, đã xác định số thuế đủ điều kiện được hoàn thì cơ quan thuế giải quyết hoàn trả trên cơ sở kết quả kiểm tra, không phân loại hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế.

** Hồ sơ hoàn thuế thuộc loại rủi ro về thuế cao theo phân loại quản lý rủi ro trong quản lý thuế;

** Hồ sơ hoàn thuế thuộc trường hợp hoàn thuế trước nhưng hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản của cơ quan thuế mà người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế hoặc có giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế nhưng không chứng minh được số tiền thuế đã khai là đúng;

** Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không thực hiện thanh toán qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật.

* Hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước là hồ sơ của người nộp thuế không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 Thông tư 80/2021/TT-BTC.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,804

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn