Các trường hợp không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng với cá nhân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
26/04/2024 09:00 AM

Các trường hợp nào không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng với cá nhân? - Thúy Hằng (Hậu Giang)

Các trường hợp không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng với cá nhân

Các trường hợp không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng với cá nhân (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng là gì?

Theo khoản 1 Điều 149 Luật Xây dựng 2014 thì chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng là văn bản xác nhận năng lực hành nghề, do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân quy định tại khoản 3 Điều 148 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp về lĩnh vực hành nghề.

2. Các trường hợp không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng với cá nhân

Theo khoản 3 Điều 62 Nghị định 15/2021/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP) quy định cá nhân nhân không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng khi thực hiện các hoạt động xây dựng sau:

- Thiết kế, giám sát hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình;

- Thiết kế, giám sát công tác hoàn thiện công trình xây dựng như trát, ốp lát, sơn, lắp đặt cửa và các công việc tương tự khác không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình; giám sát thi công nội thất công trình;

- Các hoạt động xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm b khoản 7 Điều 79 Luật Xây dựng 2014; công viên cây xanh; đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông.

Điểm b khoản 7 Điều 79 Luật Xây dựng 2014 quy định hộ gia đình được tự thiết kế nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12 mét, phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.

3. Điều kiện chung để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề khi đáp ứng các điều kiện theo Điều 66 Nghị định 15/2021/NĐ-CP như sau:

- Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy tờ về cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

- Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề như sau:

+ Hạng I: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 07 năm trở lên;

+ Hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 04 năm trở lên;

+ Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 02 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 03 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.

- Đạt yêu cầu sát hạch đối với lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

4. Quyền và trách nhiệm của cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

Quyền và trách nhiệm của cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng theo Điều 65 Nghị định 15/2021/NĐ-CP như sau:

- Cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có các quyền sau đây:

+ Yêu cầu được cung cấp thông tin về việc cấp chứng chỉ hành nghề;

+ Được hành nghề hoạt động xây dựng trên phạm vi cả nước theo nội dung quy định được ghi trên chứng chỉ;

+ Khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về cấp chứng chỉ hành nghề.

- Cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có các nghĩa vụ sau đây:

+ Khai báo trung thực hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP; chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác của các nội dung khai trong hồ sơ;

+ Hành nghề đúng với lĩnh vực, phạm vi hoạt động ghi trên chứng chỉ hành nghề được cấp, tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan;

+ Không được cho người khác thuê, mượn, sử dụng chứng chỉ hành nghề được cấp;

+ Không được tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ hành nghề;

+ Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp;

+ Xuất trình chứng chỉ hành nghề và chấp hành các yêu cầu về thanh tra, kiểm tra khi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 476

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn