Tiêu chuẩn làm Chủ tịch Quốc hội? Chủ tịch Quốc hội qua các thời kỳ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
26/04/2024 23:00 PM

Xin cho tôi hỏi tiêu chuẩn làm Chủ tịch Quốc hội được quy định như thế nào? Chủ tịch Quốc hội qua các thời kỳ gồm những ai? - Nhật Hào (Bình Phước)

Tiêu chuẩn làm Chủ tịch Quốc hội? Chủ tịch Quốc hội qua các thời kỳ

Tiêu chuẩn làm Chủ tịch Quốc hội? Chủ tịch Quốc hội qua các thời kỳ (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Tiêu chuẩn chức danh Chủ tịch Quốc hội

1. Tiêu chuẩn chung 

* Về chính trị, tư tưởng

- Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng.

- Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

- Có tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc; luôn đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan và cá nhân; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

- Tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức, yên tâm công tác. Giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng.

* Về đạo đức, lối sống

- Mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.

- Không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt.

- Không tham nhũng, lãng phí, cơ hội, vụ lợi; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không trục lợi và cũng không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

- Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của mình và chỉ đạo thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện, việc làm trái với các quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ.

* Về trình độ: Tốt nghiệp đại học trở lên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp.

* Về năng lực và uy tín

- Có quan điểm khách quan, toàn diện, biện chứng, lịch sử cụ thể, có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược; phương pháp làm việc khoa học; nhạy bén chính trị; có năng lực cụ thể hoá và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phân tích và dự báo tốt.

- Nắm chắc tình hình chung và hiểu biết toàn diện về lĩnh vực, địa bàn, địa phương, cơ quan, đơn vị được phân công quản lý, phụ trách.

- Kịp thời nắm bắt những thời cơ, vận hội; phát hiện những mâu thuẫn, thách thức, vấn đề mới, vấn đề khó, hạn chế, yếu kém trong thực tiễn; chủ động đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi và hiệu quả.

- Năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, dám đương đầu với khó khăn, thách thức; nói đi đôi với làm; có thành tích nổi trội, có kết quả và "sản phẩm" cụ thể góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn bó mật thiết với nhân dân và vì nhân dân phục vụ.

- Là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm cao.

* Sức khoẻ, độ tuổi và kinh nghiệm

- Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định của Đảng.

- Đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp; có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

(Mục 1 Phần I Quy định 214-QĐ/TW năm 2020)

2. Tiêu chuẩn chức danh Chủ tịch Quốc hội

Theo điểm 2.6 Mục 2 Phần I Quy định 214-QĐ/TW năm 2020, để đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội thì cần phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực:

- Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng, trong Quốc hội và nhân dân.

- Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và trong việc chỉ đạo thể chế hoá đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và bảo đảm mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

- Hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế.

- Có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

- Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Chủ tịch Quốc hội qua các thời kỳ

1. Ông Nguyễn Văn Tố (1889-1947): Trưởng ban thường trực Quốc hội khóa I từ tháng 03 - 11/1946

2. Ông Bùi Bằng Đoàn (1989- 1955): Trưởng ban thường trực Quốc hội từ tháng 11/1945 - 1948

3. Ông Tôn Đức Thắng (1888 - 1980): Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội từ 1948 - 1955, Trưởng ban Thường trực Quốc hội từ 1955 - 1960

4. Ông Trường Chinh (1907 - 1988): Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ 1960 - 1981

5. Ông Nguyễn Hữu Thọ (1910 - 1996): Chủ tịch Quốc hội khóa VII từ 1981 - 1987

6. Ông Lê Quang Đạo (1921 – 1999): Chủ tịch Quốc hội khóa VIII, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà Nước từ 1987 - 1992

7. Ông Nông Đức Mạnh (11/9/1940): Chủ tịch Quốc hội khóa IX, X từ 1992 - 2001

8. Ông Nguyễn Văn An (1/10/1937): Chủ tịch Quốc hội khóa XI từ 2001 - 2006

9. Ông Nguyễn Phú Trọng (14/4/1944): Chủ tịch Quốc hội khóa XII từ 2006 - 2011

10. Ông Nguyễn Sinh Hùng (18/01/1946): Chủ tịch Quốc hội khóa XIII từ 2011 - 2016

11. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (12/04/1954): Chủ tịch Quốc hội khóa XIV từ 2016 - 2021

12. Ông Vương Đình Huệ (15/3/1957): Chủ tịch Quốc hội khóa XIV từ 2021 - 04/2024

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 354

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn