Tiêu chuẩn để trở thành Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
30/04/2024 10:00 AM

Xin cho tôi hỏi để trở thành Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì cá nhân cần phải đáp ứng các điều kiện như thế nào? - Thanh Hà (Bình Dương)

Tiêu chuẩn để trở thành Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Tiêu chuẩn để trở thành Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Tiêu chuẩn để trở thành Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Điều lệ Đảng; tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

Để trở thành Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cá nhân phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn chung đối với các cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nêu tại Mục 1, Phần I, Quy định 214-QĐ/TW năm 2020; đồng thời, đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể như sau:

- Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương

- Tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực:

+ Có trình độ lý luận chính trị cao, hiểu biết sâu rộng và giàu kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng.

+ Có kiến thức toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

+ Có năng lực tham gia hoạch định chiến lược phát triển của đất nước; cụ thể hoá và chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực được phân công phụ trách; phối hợp hài hoà, hiệu quả mối quan hệ công tác giữa các ban đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; giữa Trung ương và địa phương.

+ Đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên, đồng thời kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương hoặc phó trưởng ban đảng Trung ương hoặc cấp thứ trưởng và tương đương.

(Khoản 1 Điều 1 Quy chế làm việc 10-QĐ/TW năm 2006 và Điểm 2.8 Mục 2 Phần I Quy định 214-QĐ/TW năm 2020)

Trách nhiệm, quyền hạn của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương có những trách nhiệm, quyền hạn như sau:

- Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về toàn bộ hoạt động công tác của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Thường xuyên giữ mối liên hệ công tác của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

- Chủ trì các công việc, các cuộc họp của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và của Thường trực Uỷ ban; đề xuất những nội dung, chương trình, những vấn đề cần thảo luận, giải quyết nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương do Điều lệ Đảng quy định và nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

- Chỉ đạo, chủ trì một số cuộc kiểm tra hoặc thẩm tra, xác minh những trường hợp tổ chức đảng, đảng viên là cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và các thành viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khi có dấu hiệu vi phạm, bị tố cáo; được Bộ Chính trị, Ban Bí thư uỷ quyền nghe ý kiến trình bày của tổ chức đảng hoặc đảng viên bị thi hành kỷ luật, khiếu nại kỷ luật thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và báo cáo đầy đủ với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.

- Trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị nhân sự thành viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, giới thiệu để Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung khi cần và bầu cho nhiệm kỳ tiếp theo. Trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ từ cấp vụ trở lên của cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Tham gia với cấp uỷ trực thuộc Trung ương chuẩn bị nhân sự uỷ ban kiểm tra, nhất là chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ đó.

- Ký một số văn bản thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo uỷ quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thay mặt Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ký văn bản trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các quyết định về thi hành kỷ luật thuộc thẩm quyền quyết định của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; các quyết định liên quan đến tổ chức bộ máy, cán bộ của cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và một số văn bản quan trọng khác. Kiểm tra, đôn đốc các thành viên Uỷ ban thực hiện đúng nhiệm vụ và quyền hạn được phân công.

- Giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ báo cáo kết quả công tác trước Ban Chấp hành Trung ương.

(Điều 4 Quy chế làm việc 10-QĐ/TW năm 2006)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 346

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn