Quy trình phối hợp điều tra tai nạn lao động chết người

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
02/05/2024 09:45 AM

Quy trình phối hợp điều tra tai nạn lao động chết người được quy định gồm những bước như thế nào? - Tuấn Khang (Đồng Nai)

Quy trình phối hợp điều tra tai nạn lao động chết người

Quy trình phối hợp điều tra tai nạn lao động chết người (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy trình phối hợp điều tra tai nạn lao động chết người

Theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 39/2016/NĐ-CP thì việc phối hợp điều tra tai nạn lao động chết người thực hiện như sau:

- Khi phát hiện hoặc nhận được tin báo tai nạn lao động chết người, Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền điều tra ban đầu thực hiện việc sau đây: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai, thu thập hồ sơ và tài liệu liên quan; đồng thời thông báo cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi;

- Cơ quan đến nơi xảy ra tai nạn lao động trước có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đến sau (cơ quan Cảnh sát điều tra thông báo cho Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh thông qua Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Sau khi thông báo, nếu Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh chưa đến kịp, cơ quan Cảnh sát điều tra vẫn tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai, thu thập hồ sơ và tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm thông báo cho Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh những công việc mà cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành thuộc phạm vi quan hệ phối hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định 39/2016/NĐ-CP;

- Khi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị, Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu chuyên môn về an toàn, vệ sinh lao động và thông tin, tài liệu phục vụ việc điều tra, giải quyết vụ tai nạn lao động;

- Sau khi kết thúc lập biên bản khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, Cơ quan Cảnh sát điều tra cung cấp bản sao biên bản khám nghiệm hiện trường, bản sao biên bản khám nghiệm tử thi cho Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh;

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc việc phối hợp điều tra ban đầu, Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh có công văn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tham gia phối hợp, ghi rõ quan điểm về nguyên nhân, lỗi của người có liên quan và tai nạn này là tai nạn lao động hay không;

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra có văn bản trả lời vụ tai nạn này là tai nạn lao động hay không hoặc chưa xác định rõ;

- Trường hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định là tai nạn lao động thì Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh tiến hành điều tra, kết luận theo quy định tại Điều 14 Nghị định 39/2016/NĐ-CP và thông báo kết quả đến Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp;

- Trường hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra chưa xác định là tai nạn lao động thì Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh tạm dừng việc điều tra tai nạn cho đến khi có kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra.

2. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

- Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

- Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

+ Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

+ Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

+ Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

- Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

- Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

+ Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

- Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

- Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

- Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

- Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015;

- Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 554

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn