Các hình thức làm việc tại kỳ họp Quốc hội

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
04/05/2024 13:15 PM

Xin hỏi, theo quy định pháp luật hiện nay thì có bao nhiêu hình thức làm việc tại kỳ họp Quốc Hội? - Quang Minh (Cần Thơ)

Các hình thức làm việc tại kỳ họp Quốc hội

Các hình thức làm việc tại kỳ họp Quốc hội (Hình ảnh từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các hình thức làm việc tại kỳ họp Quốc hội

Theo Điều 13 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 quy định các hình thức làm việc tại kỳ họp Quốc hội như sau:

- Các phiên họp tại kỳ họp Quốc hội bao gồm:

+ Phiên họp toàn thể của Quốc hội;

+ Phiên họp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để thảo luận, xem xét về nội dung thuộc chương trình kỳ họp Quốc hội;

+ Phiên họp do Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức để thảo luận, xem xét về nội dung trong chương trình kỳ họp Quốc hội thuộc lĩnh vực phụ trách;

+ Phiên họp Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận về nội dung trong chương trình kỳ họp Quốc hội;

+ Phiên họp Tổ đại biểu Quốc hội thảo luận về nội dung trong chương trình kỳ họp Quốc hội.

- Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội mời Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội khác có liên quan trao đổi về những vấn đề trình Quốc hội xem xét, quyết định.

- Các phiên họp tại kỳ họp Quốc hội được tiến hành công khai, trừ trường hợp được quyết định họp kín.

2. Các hình thức tiến hành kỳ họp, phiên họp của kỳ họp Quốc hội

Tại Điều 14 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 quy định các hình thức tiến hành kỳ họp, phiên họp của kỳ họp Quốc hội như sau:

- Quốc hội tiến hành kỳ họp theo hình thức họp trực tiếp.

Căn cứ tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tổ chức kỳ họp Quốc hội theo hình thức họp trực tuyến hoặc kết hợp giữa họp trực tiếp và trực tuyến.

- Các phiên họp kín, phiên biểu quyết bằng bỏ phiếu kín phải được tiến hành theo hình thức họp trực tiếp.

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn về hình thức họp trực tuyến, kết hợp giữa họp trực tiếp và trực tuyến.

3. Quy định về bảo đảm trật tự, an ninh và trang nghiêm tại kỳ họp Quốc hội

Theo Điều 28 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 quy định về việc bảo đảm trật tự, an ninh và trang nghiêm tại kỳ họp Quốc hội như sau:

- Đại biểu Quốc hội, cá nhân khác được mời tham dự, dự thính phiên họp tại kỳ họp Quốc hội có trách nhiệm giữ trật tự phiên họp; tuân thủ các quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội về trình tự, thủ tục tiến hành các phiên họp tại kỳ họp Quốc hội; trang phục nghiêm túc; sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ lịch sự; tôn trọng đại biểu Quốc hội, cá nhân khác, cơ quan, tổ chức tại phiên họp; không sử dụng thiết bị nghe nhìn cá nhân, điện thoại di động trong phiên họp kín, phiên họp về nội dung nhân sự.

- Tại phiên khai mạc, phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội, Lễ tuyên thệ, đại biểu Quốc hội và khách mời mặc com-lê, áo dài truyền thống hoặc trang phục dân tộc, lễ phục tôn giáo, lễ phục lực lượng vũ trang nhân dân.

- Trường hợp đại biểu Quốc hội hoặc cá nhân khác được mời tham dự, dự thính phiên họp không tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 28 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 thì Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp nhắc nhở và yêu cầu đại biểu Quốc hội, cá nhân đó chấp hành nghiêm túc quy định.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 228

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn