Dùng điện diệt chuột có thể bị xử lý thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
09/05/2024 16:30 PM

Cho tôi hỏi, nếu nông dân dùng điện diệt chuột trái luật thì có thể bị phạt tù đến 10 năm có đúng không? - Chị Bình (Quảng Ngãi).

Nông dân dùng điện diệt chuột có thể bị xử lý thế nào? (Hình từ internet)

1. Pháp luật nghiêm cấm hành vi dùng điện diệt chuột

Căn cứ Điều 7 Luật Điện lực 2004, quy định về các hành vi bị cấm như sau:

- Phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực.

- Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật Điện lực 2004.

- Đóng, cắt điện trái quy định của pháp luật.

- Vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện.

- Cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.

- Trộm cắp điện.

- Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ trường hợp được quy định tại Điều 59 của Luật Điện lực 2004

- Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện.

- Cung cấp thông tin không trung thực làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây sách nhiễu, phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.

- Các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về điện lực.

2. Xử phạt hành chính việc dùng điện diệt chuột

Căn cứ điểm đ khoản 5 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Đào hố, đóng cọc vào trong hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm;

+ Điều khiển thiết bị, dụng cụ, phương tiện hoặc các hoạt động khác vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp;

+ Tháo gỡ bất kỳ bộ phận nào của lưới điện, nhà máy điện khi không có nhiệm vụ;

+ Tung, ném, bắn, quăng bất cứ vật gì gây hư hỏng các bộ phận của lưới điện, nhà máy điện hoặc gây sự cố lưới điện, nhà máy điện;

+ Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định của pháp luật;

+ Không ban hành đầy đủ quy trình, nội quy về an toàn điện theo quy định;

Xem đầy đủ tại: khoản 5 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP

Lưu ý: căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 134/2013/NĐ-CP mức phạt trên áp dụng cho cá nhân, tổ chức vi phạm bị phạt gấp 02 lần.

3. Nông dân dùng điện diệt chuột trái luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Điện có thể xem là nguồn nguy hiểm cao, có thể xâm phạm sức khỏe hoặc tính mạng của con người. Nếu nông dân dùng điện diệt chuột trái luật dẫn đến chết người, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ tiết b Mục 12 Phần I Công văn 81/2002/TANDTC năm 2002 của TANDTC “giải đáp, hướng dẫn các vấn đề về nghiệp vụ”, thì hành vi dùng điện giết người về nguyên tắc có thể phạm vào các tội danh khác nhau tùy vào các trường hợp cụ thể như sau:

+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.

+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người.

Tội vô ý làm chết người

Căn cứ Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định về tội vô ý làm chết người như sau:

- Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Tội giết người

Ngoài ra, căn cứ Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) có quy định về tội giết người.

- Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

+ Giết 02 người trở lên;

+ Giết người dưới 16 tuổi;

+ Giết phụ nữ mà biết là có thai;

+ Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

+ Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

+ Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

+ Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

+ Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

+ Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

+ Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

+ Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

+ Thuê giết người hoặc giết người thuê;

+ Có tính chất côn đồ;

+ Có tổ chức;

+ Tái phạm nguy hiểm;

+ Vì động cơ đê hèn.

- Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

- Người chuẩn bị phạm tội giết người, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Nguyễn Minh Khôi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 314

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn