Đuổi việc bà bầu trái luật

10/06/2009 10:25 AM

Công ty đơn phương đuổi việc bà bầu đang dưỡng thai mà không thông báo trước nên bị tòa bắt bồi thường. TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) vừa xử sơ thẩm, tuyên buộc Công ty TNHH K. (Khu chế xuất Linh Trung 1) phải trả cho chị Võ Thị Hải gần 18 triệu đồng trợ cấp thôi việc.

Công ty đơn phương đuổi việc bà bầu đang dưỡng thai mà không thông báo trước nên bị tòa bắt bồi thường.

TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) vừa xử sơ thẩm, tuyên buộc Công ty TNHH K. (Khu chế xuất Linh Trung 1) phải trả cho chị Võ Thị Hải gần 18 triệu đồng trợ cấp thôi việc.

Nghỉ phép dưỡng thai, bị đuổi việc

Theo đơn khởi kiện, chị Hải vào làm công nhân ở Công ty K. từ tháng 3-2004, có ký hợp đồng ngắn hạn một năm. Tháng 8-2006, chị được công ty ký hợp đồng không thời hạn với mức lương gần 1,2 triệu đồng/tháng (không có phụ cấp).

Đến tháng 4-2008, lấy lý do chị Hải tự ý bỏ việc, Công ty K. đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với chị. Tuy nhiên, theo chị Hải, vào thời điểm đó chị đang mang bầu gần bốn tháng, do thai yếu nên có chỉ định của bác sĩ cho phép nghỉ dưỡng thai. Công ty K. đã nại lý do sai sự thật để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái phái luật, không báo trước cho chị biết. Sau khi bị cho thôi việc, chị Hải đã gửi đơn nhờ công đoàn giải quyết nhưng không hề nhận được câu trả lời nào.

Bất bình, chị Hải đã khởi kiện, yêu cầu Công ty K. bồi thường 11,5 tháng lương (tính từ lúc bị chấm dứt hợp đồng lao động đến ngày xét xử sơ thẩm). Ngoài ra, chị còn yêu cầu công ty bồi thường sáu tháng tiền nghỉ thai sản và hỗ trợ giấy tờ để làm thủ tục hưởng chế độ thai sản theo quy định về bảo hiểm xã hội.

Công ty phải bồi thường

Trong quá trình hòa giải, Công ty K. đồng ý nhận chị Hải trở lại làm việc và bồi thường hai tháng lương nhưng chị Hải không chấp nhận.

Tại phiên xử vừa qua, chị Hải giữ nguyên các yêu cầu khởi kiện, chỉ rút lại phần đòi bồi thường sáu tháng tiền nghỉ thai sản. Đại diện Công ty K. cho rằng chị Hải thường nghỉ việc không xin phép hoặc xin phép miệng, sau đó tự bỏ việc luôn. Như vậy chị Hải đã vi phạm kỷ luật và thỏa ước lao động nên công ty cho chị thôi việc, không giải quyết tiền lương cùng các chế độ khác. Đại diện công ty còn đòi chị Hải bồi thường ngược lại cho công ty hai tháng lương do lỗi vi phạm của mình.

Tòa nhận định việc chị Hải tự ý nghỉ không xin phép như lời đại diện Công ty K. là vi phạm nội quy lao động. Tuy nhiên, công ty không lập biên bản xử lý kỷ luật theo luật mà đã vội vàng ra quyết định cho chị thôi việc. Ngoài ra, trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, công ty không báo trước 45 ngày. Công ty cũng không trao đổi với ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Theo tòa, quyết định buộc thôi việc của Công ty K. vi phạm về mặt hình thức, trái pháp luật. Tòa buộc Công ty K. thanh toán 11,5 tháng lương trong những ngày chị Hải không được làm việc và tiền trợ cấp thôi việc cho chị Hải theo thâm niên bốn năm (mỗi năm nửa tháng lương). Tổng cộng công ty phải trả cho chị Hải gần 18 triệu đồng. Mặt khác, Công ty K. còn có trách nhiệm hỗ trợ về mặt thủ tục cho chị Hải làm hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm khi nghỉ thai sản theo quy định.

- Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng. Trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải trao đổi, nhất trí với ban chấp hành công đoàn cơ sở... Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (trừ trường hợp người lao động bị sa thải vì trộm cắp, tham ô, tự ý bỏ việc bảy ngày trong một tháng hoặc 20 ngày trong một năm...), người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

- Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.

(Trích Điều 38, Điều 111 Bộ luật Lao động)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,115

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn