Đề xuất dấu hiệu nhận biết tàu bay của Không quân Công an nhân dân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
02/05/2024 10:15 AM

Tôi muốn hỏi tàu bay của Không quân Công an nhân dân sẽ được nhận biết qua những dấu hiệu nào? – Linh Chi (Cần Thơ)

Đề xuất dấu hiệu nhận biết tàu bay của Không quân Công an nhân dân

Đề xuất dấu hiệu nhận biết tàu bay của Không quân Công an nhân dân (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Đề xuất dấu hiệu nhận biết tàu bay của Không quân Công an nhân dân

Đây là nội dung đề xuất được đề cập tại dự thảo Thông tư quy định tổ chức hoạt động bay của Không quân Công an nhân dân do Bộ Công an soạn thảo.

Dự thảo Thông tư

Theo đó, đấu hiệu nhận biết của tàu bay Không quân Công an nhân dân bao gồm biểu tượng Quốc kỳ Việt Nam và số hiệu tàu bay.

- Biểu tượng Quốc kỳ Việt nam có chiều rộng bằng hai phần ba (2/3) chiều dài, kích thước cân đối và phù hợp với từng loại tàu bay; được sơn ở hai bên phần thân và dưới bụng của tàu bay;

- Số hiệu tàu bay trong Không quân Công an nhân dân được thể hiện bằng bốn (04) chữ số, trong đó: hai (02) chữ số đầu tiên là số năm mà tàu bay được đưa vào biên chế, hai (02) chữ số tiếp theo là số thứ tự của tàu bay trong biên chế.

(Ví dụ: Tàu bay mang số hiệu 2401, được hiểu như sau: 24 - Tàu bay được đưa vào biên chế năm 2024; 01 - Tàu bay thứ nhất của Không quân Công an nhân dân).

Dấu hiệu nhận biết được thể hiện trên tàu bay phải bảo đảm có độ bền, rõ ràng và dễ nhận biết bằng mắt thường hoặc bằng các phương tiện nhận biết thông thường khác.

(Khoản 1 Điều 6 Dự thảo Thông tư)

Các chuyến bay của Không quân Công an nhân dân sẽ được phân thành 9 loại

Các chuyến bay của Không quân Công an nhân dân được phân loại như sau:

(1) Theo nhiệm vụ

- Bay huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường trong mọi điều kiện khí tượng ngày, đêm; các khu vực, địa hình hoạt động sát với yêu cầu, nhiệm vụ; đào tạo chuyển loại thành viên tổ bay khi được giao;

- Bay nhiệm vụ phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo, vận chuyển, tuần tra, giám sát, trinh sát, tác chiến, cơ động chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ bay phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an theo quy định; tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống khắc phục thảm họa, thiên tai; bay diễn tập, duyệt binh, diễu binh; bay vận chuyển; bay thử, bay kiểm tra tàu bay và bay làm nhiệm vụ đặc biệt khác.

(2) Theo khu vực hoạt động bao gồm: Bay trong, ngoài vùng trời sân bay; bay trong, ngoài đường hàng không; bay trong khu vực cấm, hạn chế bay, khu vực biên giới, hải đảo; bay ngoài không phận Việt Nam.

(3) Theo số lượng tàu bay bao gồm: bay chiếc một, bay đội hình.

(4) Theo thời gian ngày, đêm, các chuyến bay được phân ra bao gồm:

- Các chuyến bay ngày là các chuyến bay được thực hiện trong khoảng thời gian từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn;

- Các chuyến bay đêm là các chuyến bay được thực hiện trong khoảng thời gian từ lúc mặt trời lặn đến lúc mặt trời mọc;

- Các chuyến bay cả ngày và đêm là các chuyến bay được thực hiện trong khoảng thời gian, trong đó có thời điểm chuyển từ ngày sang đêm hoặc ngược lại.

(5) Theo điều kiện địa hình bao gồm: bay trên vùng đồng bằng và trung du; bay trên vùng rừng núi, biển; bay trong khu vực đô thị, khu vực đông dân cư.

(6) Theo quy tắc bay bao gồm:

- Bay bằng mắt là những chuyến bay được thực hiện trong điều kiện khi vị trí và trạng thái không gian của tàu bay được (hoặc có thể) xác định bằng mắt, chủ yếu theo đường chân trời tự nhiên và địa tiêu;

- Bay bằng thiết bị là những chuyến bay được thực hiện trong các điều kiện khi vị trí và trạng thái không gian của tàu bay được xác định chỉ theo hoặc chủ yếu theo các đồng hồ thuộc hệ thống điều khiển, hệ thống dẫn đường và giám sát.

(7) Theo điều kiện khí tượng bao gồm:

- Bay trong điều kiện khí tượng giản đơn là chuyến bay mà tổ bay có thể quan sát hoàn toàn bằng mắt kể từ lúc cất cánh đến lúc hạ cánh;

- Bay trong điều kiện khí tượng phức tạp là chuyến bay có thể thực hiện hoàn toàn hoặc một phần bằng thiết bị (không nhìn thấy mặt đất hoặc đường chân trời tự nhiên) hoặc chuyến bay quan sát bằng mắt khi mây thấp, tầm nhìn hạn chế.

(8) Những chuyến bay được tính tương ứng bay trong điều kiện khí tượng phức tạp bao gồm:

- Bay trên vùng, rừng núi, biển;   

- Bay qua những điều kiện khí hậu và địa hình khác nhau;

- Bay trong khu vực đô thị, khu vực đông dân cư.

(9) Theo độ cao các chuyến bay bao gồm:

- Bay ở độ cao rất thấp: là các chuyến bay được thực hiện ở độ cao bằng hoặc thấp hơn 200m tính theo địa hình;

- Bay ở độ cao thấp: là các chuyến bay được thực hiện ở độ cao từ trên 200m đến 2000m tính theo địa hình;

- Bay ở độ cao trung bình: là các chuyến bay được thực hiện ở độ cao từ trên 2000m đến 6000m tính theo địa hình;

- Bay ở độ cao cao: là các chuyến bay được thực hiện ở độ cao từ trên 6000m đến 12000m tính theo địa hình.

(Điều 27 Dự thảo Thông tư)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 200

Bài viết về

Công an nhân dân

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn