Đi xuất khẩu lao động sẽ không phải trả tiền dịch vụ đối với những công việc nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
06/05/2024 17:45 PM

Cho tôi hỏi, người lao động đi xuất khẩu lao động sẽ không phải trả tiền dịch vụ đối với những công việc nào? – Mai Loan (Hà Nội)

 

Đi xuất khẩu lao động sẽ không phải trả tiền dịch vụ đối với những công việc nào?

Đi xuất khẩu lao động sẽ không phải trả tiền dịch vụ đối với những công việc nào? (Hình từ internet)

Phí dịch vụ khi đi xuất khẩu lao động?

Hiện nay, xu hướng đi làm việc tại nước ngoài (hay còn gọi là xuất khẩu lao động) của công dân Việt Nam đang tăng lên, một trong số nguyên nhân dẫn đến sự tăng lên này có thể kể đến là môi trường làm việc cũng như mức thu nhập cao.

Với mục đích khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về. Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thể dễ dàng ra nước ngoài làm việc.

Nhiều tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng góp phần rất lớn trong việc phát triển của xu hướng này.

Bên cạnh những vấn đề như thực hiện công việc gì? Làm ở đâu? Mức thù lao bao nhiêu? Thì tiền dịch vụ là một trong những vấn đề được người lao động khá quan tâm.

Theo quy định tại Điều 23 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, tiền dịch vụ là khoản thu của doanh nghiệp dịch vụ nhận được từ bên nước ngoài tiếp nhận lao động và người lao động để bù đắp chi phí, tìm kiếm, phát triển thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động, quản lý người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Khi doanh nghiệp thu tiền dịch vụ từ người lao động phải đảm bảo những nguyên tắc sau:

- Theo thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ;

- Không vượt quá mức trần;

- Chỉ được thu sau khi hợp đồng cung ứng lao động đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận và hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được ký kết;

- Trong trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ đã thỏa thuận.

Mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động được quy định như sau:

- Không quá 01 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc; đối với sĩ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá 1,5 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc. Trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 36 tháng trở lên thì tiền dịch vụ không được quá 03 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng;

- Trường hợp có thỏa thuận về việc thu tiền dịch vụ cho thời gian gia hạn hợp đồng lao động trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì mức tiền dịch vụ tối đa cho mỗi 12 tháng gia hạn làm việc không quá 0,5 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng;

Đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết mức trần tiền dịch vụ thấp hơn mức nên trên.

Người đi xuất khẩu lao động sẽ không phải trả tiền dịch vụ đối với những công việc nào?

Với mối quan hệ hợp tác giữa nước ta với các quốc gia khác, để khuyến khích trao đổi, nâng cao nguồn lao động, hiện nay, một số ngành nghề của thuộc các lĩnh vực sao đây sẽ không phải đóng phí dịch vụ:

Nhật Bản

- Thực tập sinh kỹ năng số 3 (trường hợp không thay đổi doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức quản lý)

- Lao động kỹ năng đặc định (trường hợp hoàn thành chương trình Thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc Thực tập sinh kỹ năng số 3 đủ điều kiện tiếp nhận sang lao động kỹ năng đặc định)

Malaysia và các quốc gia Tây á

Lao động giúp việc gia đình

(Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH)

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 245

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn