Bao nhiêu tuổi thì có thể trở thành chủ hụi?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
23/04/2024 18:15 PM

Cho tôi hỏi, bao nhiêu tuổi thì có thể trở thành chủ hụi và chơi hụi gồm có những hình thức chơi nào? – Bá Phú (Hà Nội)

 

Bao nhiêu tuổi thì có thể trở thành chủ hụi?

Bao nhiêu tuổi thì có thể trở thành chủ hụi? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Hụi hay còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau tùy thuộc vào từng vùng miền như họ, biêu, phường.

Theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015, hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Bao nhiêu tuổi thì có thể trở thành chủ hụi?

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 19/2019/NĐ-CP, để trở thành chủ hụi cần phải đáp ứng được các điều kiện sau:

- Chủ hụi là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

- Trường hợp các thành viên tự tổ chức dây hụi thì chủ hụi là người được hơn một nửa tổng số thành viên bầu, trừ trường hợp các thành viên có thỏa thuận khác.

- Điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây hụi.

Như vậy, chỉ cần đủ 18 tuổi trở lên thì có thể trở thành chủ hụi.

Nguyên tắc và hình thức chơi hụi

Nguyên tắc chơi hụi

- Là một hình thức “góp vốn” được pháp luật cho phép, vậy nên việc chơi hụi cần phải đáp ứng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự 2015.

- Việc tổ chức họ chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về họ.

- Không được tổ chức họ để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

(Theo Điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP)

Hình thức chơi hụi

Chơi hụi có 2 hình thức chơi đó là: Hụi có lãi và hụi không có lãi.

(1) Hụi có lãi

- Thứ tự lĩnh hụi có lãi được quy định như sau:

+ Thành viên lĩnh hụi trong từng kỳ mở hụi là người đưa ra mức lãi cao nhất, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

+ Trong một kỳ mở hụi mà có nhiều thành viên cùng trả một mức lãi và mức lãi đó là mức lãi cao nhất thì những người này bốc thăm để xác định thành viên lĩnh hụi, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

+ Thành viên đã lĩnh hụi không được đưa ra mức lãi trong các kỳ mở hụi tiếp theo, trừ trường hợp một thành viên góp nhiều phần hụi trong mỗi kỳ mở hụi thì thành viên này có quyền đưa ra mức lãi cho đến khi có số lần lĩnh họ tương ứng với số phần hụi mà thành viên đó góp họ trong một kỳ mở hụi.

- Lãi suất:

+ Lãi suất trong hụi có lãi do các thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở họ nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi. Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó.

+ Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi vượt quá lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

(2) Hụi không có lãi

- Thứ tự lĩnh hụi không có lãi được quy định như sau:

+ Thứ tự lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi được xác định theo hình thức bốc thăm, biểu quyết, bình chọn hoặc hình thức khác do những người tham gia dây hụi thỏa thuận.

+ Trường hợp những người tham gia dây hụi không có thỏa thuận thì thứ tự lĩnh hụi được xác định bằng hình thức bốc thăm.

**Lãi suất trong trường hợp chậm góp, chậm giao phần hụi

- Trường hợp đến kỳ mở hụi mà chủ hụi không giao hoặc giao không đầy đủ các phần hụi cho thành viên được lĩnh hụi, thành viên chưa lĩnh hụi không góp phần hụi hoặc góp phần hụi không đầy đủ thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Lãi suất phát sinh do chậm góp hoặc chậm giao phần hụi được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 19/2019/NĐ-CP của số tiền chậm trả trên thời gian chậm trả, nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 19/2019/NĐ-CP của số tiền chậm trả trên thời gian chậm trả.

- Trường hợp đến kỳ mở hụi mà thành viên đã lĩnh hụi không góp phần hụi hoặc góp phần hụi không đầy đủ thì phải trả lãi như sau:

+ Trường hợp hụi không có lãi, lãi suất được xác định theo thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 19/2019/NĐ-CP của số tiền chậm góp hụi trên thời gian chậm góp, nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định bằng 50%/năm mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 19/2019/NĐ-CP của số tiền chậm góp trên thời gian chậm góp.

+ Trường hợp hụi có lãi, lãi suất được xác định theo mức quy định tại khoản 5 Điều 466 của Bộ luật Dân sự 2015 đối với hụi có lãi.

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 492

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn