Quy định về vào ra kho tiền trong ngân hàng năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
30/04/2024 18:00 PM

Xin cho tôi hỏi pháp luật quy định về vào ra kho tiền trong ngân hàng năm 2024 như thế nào? - Thanh Tùng (Hà Nam)

Quy định về vào ra kho tiền trong ngân hàng năm 2024

Quy định về vào ra kho tiền trong ngân hàng năm 2024 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Đối tượng được vào kho tiền trong ngân hàng

Khi thực hiện nhiệm vụ, những đối tượng sau được phép vào kho tiền:

- Thống đốc, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiểm tra các kho tiền trong ngành Ngân hàng.

- Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ vào các kho tiền trong ngành Ngân hàng để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

- Cán bộ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép bằng văn bản vào kiểm tra hoặc thanh tra kho tiền trong ngành Ngân hàng.

- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, cán bộ được Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản cho phép kiểm tra kho tiền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thành phố.

- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm tra kho tiền thuộc hệ thống.

- Cán bộ được Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có văn bản cho phép kiểm tra kho tiền tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc hệ thống.

- Giám đốc và các thành viên có trách nhiệm giữ chìa khóa cửa kho tiền.

- Cán bộ kiểm soát vào kho tiền để giám sát việc xuất nhập tài sản; cán bộ kiểm tra kho tiền theo kế hoạch công tác đã được Giám đốc duyệt.

- Cán bộ, nhân viên được giao nhiệm vụ tổ chức và bốc xếp, vận chuyển tài sản bảo quản trong kho tiền hoặc được giao nhiệm vụ vào kho tiền để cứu tài sản trong trường hợp khẩn cấp.

- Các thành viên của Hội đồng kiểm kê tài sản kho quy định kỳ, đột xuất.

-. Cán bộ giám sát và cán bộ kỹ thuật, công nhân sửa chữa kho tiền; sửa chữa, lắp đặt, bảo dưỡng các thiết bị, các ổ khóa trong kho tiền, có giấy đề nghị, được Giám đốc chấp thuận cho phép vào kho tiền.

(Điều 39 Thông tư 01/2014/TT-NHNN sửa đổi tại Thông tư 12/2017/TT-NHNN)

Các trường hợp được vào kho tiền trong ngân hàng

Các trường hợp được vào kho tiền bao gồm:

- Thực hiện lệnh, phiếu xuất, nhập tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá.

- Nhập tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá vào bảo quản trong kho tiền hoặc xuất ra để sử dụng trong ngày.

- Kiểm tra, kiểm kê tài sản trong kho tiền theo định kỳ hoặc đột xuất.

- Vệ sinh kho tiền, bốc xếp, đảo kho.

- Sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt trang thiết bị trong kho tiền.

- Cứu tài sản trong kho tiền trong các trường hợp khẩn cấp.

- Xuất, nhập tài sản tạm gửi kho Ngân hàng Nhà nước; xuất nhập tài sản làm dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn, dịch vụ ngân quỹ khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Các trường hợp khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

(Điều 40 Thông tư 01/2014/TT-NHNN)

Quy định về vào ra kho tiền trong ngân hàng

Khi vào, thủ kho tiền vào đầu tiên; khi ra, thủ kho tiền ra cuối cùng. Việc mở và đóng các ô khóa cửa kho tiền theo nguyên tắc từng người một và theo đúng thứ tự, khi mở cửa kho tiền: Giám đốc, Trưởng phòng Kế toán, thủ kho tiền; ngược lại, khi đóng cửa kho tiền: thủ kho tiền, Trưởng phòng Kế toán, Giám đốc. Mỗi lần vào, ra kho tiền mọi người phải ký tên xác nhận trên sổ đăng ký vào kho tiền.

Trước khi vào và sau khi ra khỏi kho tiền, các thành viên vào kho tiền phải có mặt đầy đủ tại gian đệm để chứng kiến các thành viên giữ chìa khóa kho tiền mở, đóng cửa kho tiền. Các thành viên giữ chìa khóa kho tiền phải tự bảo vệ bí mật mã số, chìa khóa cửa kho tiền khi mở, đóng cửa kho tiền.

(Điều 41 Thông tư 01/2014/TT-NHNN)

Quy định về kiểm tra trước khi vào ra kho tiền trong ngân hàng

Trước khi mở khóa, nhân viên an toàn kho, các thành viên giữ chìa khóa kho tiền phải quan sát kỹ tình trạng bên ngoài ổ khóa và cửa kho tiền.

- Nếu thấy có vết tích nghi vấn, phải ghi đầy đủ nghi vấn trước khi mở khóa;

- Nếu thấy vết tích đã có kẻ gian xâm nhập kho tiền, phải giữ nguyên hiện trường và thông báo cho cơ quan công an đến xem xét, lập biên bản; sau đó mới mở khóa vào kho tiền.

Trước khi ra khỏi kho tiền:

- Kiểm tra các hiện vật cần mang ra ngoài kho;

- Kiểm tra lại các hệ thống thiết bị an toàn;

- Thủ kho tiền và nhân viên an toàn kho phải kiểm tra lại lần cuối cùng trước khi đóng cửa kho tiền.

(Điều 42 Thông tư 01/2014/TT-NHNN)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 379

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn