Nỗi ám ảnh mang tên Khánh “trắng” - Kỳ 2: HỐT TRỌN Ổ

18/12/2009 10:23 AM

Chiều 24-5-1996, lệnh bắt giữ Khánh “trắng” và đàn em của Khánh được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn chưa kịp ráo mực, lực lượng công an đã tổ chức bắt giữ trùm xã hội đen Hà Nội ngay tại nhà riêng của Khánh ở số nhà 31/10 phố Nguyễn Thiệp.

Chiều 24-5-1996, lệnh bắt giữ Khánh “trắng” và đàn em của Khánh được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn chưa kịp ráo mực, lực lượng công an đã tổ chức bắt giữ trùm xã hội đen Hà Nội ngay tại nhà riêng của Khánh ở số nhà 31/10 phố Nguyễn Thiệp. Sau khi vô hiệu hóa một tên đàn em của Khánh ngoài cửa, các chiến sĩ đã đồng loạt xông vào tóm gọn Khánh. Người nhà Khánh vẫn nói cứng với các điều tra viên: “Dăm bữa nửa tháng là về ấy mà”...

>> Nỗi ám ảnh mang tên Khánh “trắng”


Ngôi nhà trước đây là khách sạn Hướng Dương

VỤ CƯỚP GIỮA BAN NGÀY
Điểm đột phá mà lực lượng công an chọn để mở màn cho chuyên án là vụ cướp ở 71D-E Kim Mã. Dương Văn Khánh quen biết anh Vũ Thanh Mạnh, trú tại 71D-E Kim Mã, Ba Đình. Anh Mạnh kinh doanh vũ trường và karaoke. Năm 1994, anh Mạnh vay của Dương Văn Đích 400 triệu đồng, giữa năm 1995 vay của Khánh “trắng” 105 triệu đồng, đầu năm 1996 vay của Trần Văn Minh (em ruột cùng mẹ khác cha với Khánh) 10 triệu đồng và một số người khác nữa. Hàng tháng, anh Mạnh vẫn trả một phần tiền gốc và lãi. Tuy nhiên, do kinh doanh thua lỗ nên ngày 4-5-1996, anh Mạnh đã mời các chủ nợ đến bàn cách trả nợ và xin khất nợ, cuộc họp này có cả Khánh “trắng”. Chính Khánh là người đứng ra yêu cầu các chủ nợ cho anh Mạnh thời hạn đến ngày 30-8-1996 mới phải trả một số tiền gốc và lãi. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tối 21-5-1996, Khánh lấy lý do anh Mạnh không chịu trả nợ, lại đem tài sản đi tẩu tán nên đã cử hai tên đàn em thân tín nhất là Nguyễn Quang Vinh và Tạ Văn Ninh lên 71D-E Kim Mã để thị sát trước. Rạng ngày 22-5-1996, Khánh “trắng” ra chợ Long Biên điều động hơn chục tên đàn em trong tổ kiểm tra trật tự, sử dụng ba xe ôtô vận tải và xe máy lên Kim Mã để “xiết nợ” nhà anh Mạnh.

Bọn đàn em của Khánh đến nhà anh Mạnh nhưng anh này không có nhà, chúng tự động vào quầy bar của quán karaoke lấy bia ra uống. Khi anh Mạnh đi ăn sáng về, chúng điện báo cho Khánh “trắng” đang chờ ở nhà để Khánh xuống ngay Kim Mã trực tiếp chỉ huy cướp phá. Anh Mạnh trình bày hoàn cảnh với Khánh “trắng” để xin khất nợ nhưng y không nghe, tuyên bố thu dọn toàn bộ tài sản. Thấy có nhiều đồ đạc, tài sản, Khánh điện thoại về chợ Đồng Xuân điều thêm 20 quân và một xe ôtô tải lên Kim Mã tiếp tục tháo dỡ, khuân vác, vận chuyển về chợ Đồng Xuân, nhà riêng của Khánh ở 31/10 Nguyễn Thiệp, hội trường chợ Long Biên và nhà em rể.


Tài sản của khách sạn Hướng Dương bị Khánh “trắng” cho quân cướp về

Sau khi tháo dỡ đồ đạc ở 71D Kim Mã, Khánh cho quân tiếp tục cướp phá tài sản ở khách sạn Hướng Dương 71E Kim Mã, chủ sở hữu là anh Vũ Hoàng Hiệp và anh Phạm Hải Long. Mặc dù cả ba anh Mạnh, Hiệp, Long đều trình bày, tài sản của khách sạn Hướng Dương không có liên quan gì đến anh Mạnh, nhưng Khánh và đồng bọn không nghe. Chúng ép nhân viên và các anh Hiệp, Long phải ngồi yên một chỗ, không được ra ngoài. Toàn bộ tài sản, đồ đạc, phương tiện trong hai căn nhà 71D và 71E Kim Mã bị chúng đục phá thu dọn hết. Trong khoảng thời gian từ 8 giờ 30 đến 13 giờ 30, Khánh đã huy động gần 40 tên đàn em, bốn xe ôtô tải để cướp phá tài sản của những người nói trên.

Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, khi băng nhóm Khánh “trắng” đã lấy xong toàn bộ tài sản, Công an phường Kim Mã mới cử cán bộ xuống mời anh Mạnh cùng Khánh và các chủ nợ khác lên làm việc. Tại trụ sở công an, Khánh đã ép anh Mạnh phải ký biên bản thỏa thuận tự nguyện để Khánh và đồng bọn lấy đồ trừ nợ. Vụ việc này, Công an phường Kim Mã đã lập biên bản để các bên... tự giải quyết sau khi việc đã xảy ra!

Sáng 24-5-1996, Dương Văn Khánh, Đoàn Ngọc Anh, Trần Văn Minh biết cơ quan công an (Đội CSHS đặc nhiệm Công an Hà Nội) xác minh sự việc nên đã hẹn anh Mạnh đến xưởng sửa chữa ôtô Dân Chủ của Dương Văn Đích, bắt viết giấy biên nhận nợ Trần Văn Minh 250 triệu, không còn nợ Khánh, Ngọc Anh, Dũng, Đích nữa và trả lại toàn bộ tài sản cho các anh Hiệp, Mạnh, Long.


Cơ quan CSĐT đọc lệnh bắt Khánh “trắng”

ĐÁNH RẮN DẬP ĐẦU
Ngay sau khi sự việc xảy ra, một cuộc họp khẩn đã được triệu tập với thành phần gồm cơ quan CSĐT Bộ Nội vụ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Công an Hà Nội. Cuộc họp đánh giá những chứng cứ đã thu thập được để đưa ra kết luận: Khánh “trắng” và đồng bọn có phạm tội cướp hay không. Các thành viên tham gia đều thống nhất hành vi của Khánh “trắng” và đồng bọn là cướp tài sản. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, các cán bộ chỉ huy hạ quyết tâm: đánh rắn phải đánh dập đầu, phải bắt giam ngay  Khánh “trắng”, từ đấy đánh quật trở lại những vụ do chúng đã gây ra. Mục tiêu là phải tóm gọn, không để tên nào chạy thoát. Đây có thể coi là một cuộc họp đặc biệt, vì sau khi đã thống nhất ý kiến, các thành viên tham gia họp ở yên tại chỗ, lệnh bắt Khánh “trắng” được ký ngay tại cuộc họp.

Lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm của Công an Hà Nội, Bộ Nội vụ được triệu tập ngay nhưng không ai biết nhiệm vụ cụ thể là gì. Nhiều mũi công tác được lệnh xuất kích cùng lúc, mục tiêu là bắt tất cả những đối tượng liên quan. Một tổ công tác gồm 20 cán bộ, chiến sĩ do đại tá Nguyễn Hữu Ngọc chỉ huy đến thẳng nhà Khánh “trắng” ở 31/10 Nguyễn Thiệp, Hà Nội. Tuy nhiên, khi cuộc họp đặc biệt còn chưa kết thúc, đại tá Ngọc đã nghĩ ra một kế rất đơn giản nhưng hiệu quả, đó là tung tin bắt Khánh “trắng” với một số đối tượng có thâm thù với Khánh nhưng vẫn đảm bảo bí mật. Đám giang hồ nghe Khánh “trắng” sắp bị bắt thì mừng lắm, chúng kéo nhau đến phố Nguyễn Thiệp để chứng kiến ngày mà kẻ thù không đội trời chung phải trả giá. Thấy đám giang hồ tụ tập rất đông gần nhà mình, Khánh “trắng” cứ nghĩ chúng đến để tính sổ với mình. Vì đã từng bị đối thủ tạt cả ca axít vào mặt nên Khánh “trắng” rất cảnh giác. Hắn huy động gần 20 đàn em trung thành và liều mạng nhất đến nhà mình để bảo vệ. Vậy là cơ quan công an không cần tốn quá nhiều công mà vẫn gom được hết đám “đầu lĩnh” của băng giang hồ này. Khi đại tá Ngọc bước vào cửa nhà Khánh, Hùng “Thanh Hóa” - một đệ tử thân tín của Khánh đứng ra chặn lại nhưng bị hạ ngay lập tức. Đã biết tiếng Ngọc “điếu” (đám giang hồ thường gọi đại tá Nguyễn Hữu Ngọc là Ngọc “điếu”), Khánh “trắng” và đám đàn em ngồi im re, ngoan ngoãn tra tay vào còng.


Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm bao vây nhà Khánh “trắng”

Đây là một thắng lợi lớn và được coi là một kỷ lục trong phá án. Hai mươi điều tra viên, ba mươi trinh sát chỉ trong một thời gian ngắn đã nghiên cứu và thu thập trên 4.000 trang hồ sơ về Khánh “trắng” và đàn em. Trước đó, một tổ công tác đặc biệt gồm bốn người đã nằm gần sáu tháng trời tại khu vực chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân để ghi nhận các hoạt động của tay chân Khánh “trắng”. 

Tuy nhiên, làm rõ các hành vi phạm tội khác của Khánh “trắng” là không đơn giản, vì nghiên cứu những vụ án mà Khánh “trắng” và đồng bọn đã gây ra, lãnh đạo Cục CSHS và đơn vị Chống tội phạm có tổ chức nhận thấy, những vụ này xảy ra đã lâu, nhiều vụ đã được Công an Hà Nội điều tra, nhưng đã đình chỉ hoặc tạm đình chỉ, có vụ đã xử và đã thi hành án xong. Vì thế, việc phục hồi điều tra những vụ này là một việc vô cùng khó khăn phức tạp. Đó là chưa kể tới các yếu tố khác chi phối việc điều tra của công an...

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,394

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn