Đề xuất điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
27/03/2024 16:15 PM

Cho tôi hỏi: Theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất, điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động là gì? – Quang Vũ (Hà Tĩnh)

 

Đề xuất điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

Đề xuất điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động (Hình từ internet)

Đề xuất điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

Hiện nay tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014  và các VBPL có liên quan chưa có định nghĩa rõ ràng về thuật ngữ “suy giảm khả năng lao động”. Tuy nhiên, suy giảm khả năng lao động lại là một trong những yếu tố quan trọng để xác định số tiền hưu trí của người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu.

Tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, đã có những thay đổi về độ tuổi trong điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động như sau:

Tại Điều 65 của Dự thảo Luật quy định:

(1) Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i, k, l, m khoản 1 và khoản 2 Điều 3 của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 64 của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64 của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%;

- Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64 của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

- Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

(2) Người lao động quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 3 của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 64 của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64 của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội;

- Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

**Điểm a Khoản 1 Điều 64 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Đủ 61 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 56 tuổi 08 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035;

Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động hiện nay

Theo Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

(1) Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Từ ngày 01/01/2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

- Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

(2) Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên;

- Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Như vậy, theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, sắp tới độ tuổi đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ điều kiện về % tỷ lệ suy giảm, sẽ tăng lên tối đa 62 tuổi đối với người lao động là nam và 60 tuổi đối với người lao động là nữ.

Có thể thấy điều kiện để được bảo hiểm suy giảm khả năng lao động theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội thay đổi phần lớn phụ thuộc vào việc tăng tuổi nghỉ hưu.

Xem chi tiết Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tại đây.

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 285

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn