Giá xăng dầu thế giới hạ thấp: Dân chờ… chính sách?

01/10/2009 15:28 PM

Ngày 30.9, giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tiếp tục duy trì ở mức giá thấp. Phải chăng doanh nghiệp xăng dầu trong nước đang “câu giờ” để trì hoãn giảm giá?

Ngày 30.9, giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tiếp tục duy trì ở mức giá thấp. Phải chăng doanh nghiệp xăng dầu trong nước đang “câu giờ” để trì hoãn giảm giá?

Theo tính toán ban đầu, DN kinh doanh xăng dầu đầu mối có thể đang hưởng mức lãi trên dưới 1.000đ/lít xăng, dầu. Trong lúc người dân chờ đợi sự giảm giá từ các DN thì các DN lại chờ đợi chính sách từ phía các bộ liên quan. Phải chăng, đây lại là cách "câu giờ" với chiêu thức cũ là tăng cao, tăng nhanh, nhưng giảm thấp và giảm từ từ.

Tròn một tháng hưởng lãi ròng

Ngày 30.8, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối tăng giá xăng thêm 1.000đ/lít. Theo đó, mức giá từ 14.700đ đã được tăng thêm thành 15.700đ/lít. Nguyên nhân của việc tăng giá này là do giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường thế giới tăng cao.

Cụ thể thời điểm đó, xăng A92 là 79,72USD/thùng, diesel là 78,76USD/thùng, dầu hoả giá 78,47USD/thùng. Với cú tăng giá này, các DN kinh doanh xăng dầu đã thở phào nhẹ nhõm với mức lãi 301đ/lít xăng, lãi 396đ/lít diesel, lãi 563đ/lít dầu hoả và lãi 206đ/kg dầu madút.

Tuy nhiên liên tiếp trong thời gian qua, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm mạnh. Ngày 10.9, giá xăng A92 có giá là 76,370USD/thùng; diesel có giá 76,470USD/thùng và dầu hoả là 75,400USD/thùng. Tiếp đó vào ngày 27.9, giá xăng A92 có giá 71,050USD/thùng, diesel có giá 73,470USD/thùng, dầu hoả có giá 74,460USD/thùng và dầu madút có giá 420,080USD/tấn. Liên tục được hưởng lợi từ việc xăng dầu thành phẩm giảm giá, DN kinh doanh xăng dầu còn được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi.

Cụ thể từ ngày 21.9, DN kinh doanh xăng dầu sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi thuế nhập khẩu xăng dầu là 20%. Ngày 30.9, giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm tiếp tục duy trì ở mức thấp. Cụ thể tại thị trường Singapore, xăng A92 có giá 68,310USD/thùng, diesel giá 71,590USD/thùng, dầu hoả giá 72.210USD/thùng, madút có giá 412,160USD/thùng và giá dầu thế giới là 67USD/thùng.

Như vậy, theo tính toán của các chuyên gia thì đúng là DN kinh doanh xăng dầu đã được trọn 1 tháng hưởng lãi ròng. Nếu như sau khi tăng giá, mức lãi còn thấp thì đến nay sau khi được giảm giá và giảm thuế, mức lãi này là khá cao. Theo công thức tính toán do Bộ Tài chính công bố thì các chuyên gia nhận định DN đã được hưởng mức lãi khoảng trên dưới 1.000đ/lít.

Chờ đợi hay “câu giờ”?

Năm 2008, người tiêu dùng (NTD) đã từng phải nhiều lần chờ đợi... dài cổ khi các DN liên tục áp dụng các chiêu thức tăng giá cao, mật độ tăng giá nhanh; thế nhưng sau đó khi có điều kiện để giảm giá thì các DN lại giảm chậm, giảm giá nhỏ giọt, thậm chí là chia lẻ các mặt hàng để giảm giá. Chiêu thức này đã rất lợi hại khi mà NTD đã bị “đánh lừa cảm giác” vì thỉnh thoảng các DN đã có công bố giảm giá.

Một chiêu thức khác mà các DN lấy đó làm “nguyên nhân chính” là... chờ đợi các chính sách từ phía các cơ quan quản lý. Có rất nhiều nguyên nhân để... chờ đợi là xem cơ quan quản lý có tăng thuế không? Liệu có tăng mức trích Quỹ bình ổn giá? Thậm chí là cả những lý do rất... cũ là chờ đợi diễn biến của thị trường.

Tuy nhiên từ tháng 9.2008, liên bộ Tài chính – Công Thương công bố việc áp dụng cơ chế thị trường đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, DN sẽ phải tuân thủ nguyên tắc có tăng, có giảm theo biến động giá của thị trường thế giới. Thế nhưng nếu nhìn vào thực tế hiện nay thì có thể nói là nguyên tắc này dường như đang bị phá vỡ. Bởi trên thực tế, rõ ràng là giá xăng dầu thành phẩm đã giảm, thuế cũng đã giảm; song các DN lại chưa giảm giá bán lẻ xăng dầu.

Tuy nhiên, “nói đi” cũng phải “nói lại” rằng đúng là các DN cũng có phần bị động. Cụ thể thời gian qua, DN cho rằng có lúc có ý định giảm giá, song ngày 19.9, Bộ Tài chính lại cho phép DN được phép giữ giá bán, đồng thời thực hiện trích tiền vào Quỹ bình ổn giá với mức trích là 100đ/lít diesel và 200đ/lít dầu hoả. Tại hội thảo ngày 21.9 về cơ chế kinh doanh xăng dầu, các DN cho rằng vẫn có sự can thiệp giá và áp dụng cơ chế điều hành hành chính khiến DN không chủ động.

Với cơ chế này, DN vẫn phải chờ đợi những chính sách thuế, giá, trích quỹ... từ cơ quan quản lý, phải đề phòng biến động thị trường, phải đăng ký giá và chờ đợi sự chấp thuận của cơ quan quản lý... Tất cả những yếu tố này khiến cho DN mất sự chủ động, phá vỡ thế cạnh tranh. Hệ lụy là DN khó giảm giá thành, còn NTD lệ thuộc vào sự tăng, giảm giá của DN.

Theo thông tin phóng viên Lao Động có được thì hiện đã có DN đề xuất giảm giá xăng dầu; trong khi đó, cơ quan quản lý vẫn chưa có quyết định cuối cùng là giảm giá, tăng thuế hay tiếp tục truy thu bù lỗ ngân sách.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 638

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn