Xăng dầu Việt Nam rối tinh vì… “bình ổn”

02/10/2009 08:29 AM

Một lít xăng dầu tại Việt Nam đang phải gánh quá nhiều nhiệm vụ và những nhiệm vụ này lại mâu thuẫn nhau. Dường như, những công cụ bình ổn đang làm cho thị trường này ngày càng rối.

Một lít xăng dầu tại Việt Nam đang phải gánh quá nhiều nhiệm vụ và những nhiệm vụ này lại mâu thuẫn nhau. Dường như, những công cụ bình ổn đang làm cho thị trường này ngày càng rối.

“N” mục tiêu trong 1 lít xăng

Trong cuộc hội thảo mới đây về xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính tuyên bố: Dù thế nào thì thị trường xăng dầu vẫn phải bình ổn giá.

Có lẽ vì thế mà trong một lít xăng dầu của Việt Nam phải lĩnh tới… 6  trách nhiệm.

Thị trường xăng dầu "rối" vì luôn bị bình ổn. (Ảnh: Phạm Huyền)

Thứ nhất, xăng dầu phải đảm bảo an ninh năng lượng, do đó, nhập theo phân bổ hạn ngạch tối thiểu, có dự trữ quốc gia phòng khi có chiến tranh, dịch bệnh…;

Thứ 2 là phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nên thuế có thể tăng kịch trần 40%, tận thu khi giá thế giới giảm và có hàng loạt các loại phí, phụ thu; Thứ 3 là đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng nên có quy định về giới hạn điều chỉnh giá bán;

Thứ 4 là phải giữ ổn định thị trường nên có quy định giảm tần suất biên độ điều chỉnh giá bằng việc trích và sử dụng Quỹ bình ổn.

Trọng trách thứ 5 là phải đảm bảo doanh nghiệp có lãi vì xăng dầu vẫn là mặt hàng kinh doanh bình thường. Riêng trong bối cảnh hiện nay, 1 lít xăng dầu còn phải đảm bảo nhiệm vụ thứ 6 là trả nợ ngân sách cho Nhà nước đã tạm ứng cho doanh nghiệp bù lỗ trước kia.

Lẽ dĩ nhiên, không thể tránh khỏi những xung đột kéo dài khi mặt hàng xăng dầu phải đáp ứng cả 6 “nghĩa vụ” trên.

Đi theo thị trường thường được người tiêu dùng hiểu một cách logic là khi giá thế giới lên thì giá trong nước lên, giá thế giới xuống thì giá trong nước cũng xuống. Nhưng trên thực tế, điều này đã không diễn ra như vậy vì những mục tiêu trên.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đã đúc rút: khi giá thế giới xuống thấp thì thuế nhập khẩu sẽ tăng, phải tăng thêm một khoản tiền trên 1 lít xăng dầu để trích quỹ, làm hạn chế cơ hội giảm giá bán lẻ trong nước, lợi ích của người tiêu dùng sẽ bị thiệt.

Còn khi giá thế giới tăng, nhà nước giảm thuế và như vậy, Nhà nước bị thiệt. Trong cả 2 trường hợp này, doanh nghiệp luôn luôn bị động, thấp thỏm chờ chính sách.

Dù giá thế giới tăng hay giảm thì với cơ chế hiện nay, giá xăng trong nước sẽ khó lòng mà đi theo giá thế giới theo đúng nghĩa thị trường. Lợi ích các bên đều bị thiệt.

Ví dụ gần đây nhất là đợt điều chỉnh giá xăng vừa qua, hôm 30/9, mặc dù giá thế giới giảm mạnh, song giá xăng trong nước chỉ được giảm khiêm tốn: 500 đồng/lít. Một phần cơ hội giảm giá đã được chuyển hoá sang việc tăng tiền trích Quỹ bình ổn giá đối với dầu và khởi động trích Quỹ đối với xăng.

Với cách điều hành giá xăng như vậy thì dường như, mặt hàng này luôn luôn trong trạng thái “bị” bình ổn.

Để giảm giá, doanh nghiệp cũng phải đăng ký. Theo lý giải của Liên Bộ Tài chính- Công Thương, đây là việc để tránh trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, khiến cho doanh nghiệp lớn có thể giảm giá sát mức giá thành, các doanh nghiệp nhỏ sẽ không theo được và bị triệt tiêu, ảnh hưởng tới cung cầu.

Tuy nhiên, một doanh nghiệp xăng dầu đã bày tỏ, nếu doanh nghiệp nào yếu thì sẽ buộc phải phá sản. Điều đó phải để cho quy luật thị trường hình thành, chứ Nhà nước không thể sắp đặt thay được.

Những bất hợp lý trong cơ chế điều hành này được Bộ Tài chính cắt nghĩa là do “quá độ” để sang cơ chế thị trường thực sự. Song, chính các doanh nghiệp cho rằng, cách thức này đã và sẽ làm méo mó các tín hiệu thị trường của xăng dầu.

Có nên lạm dụng “công cụ” bình ổn?

Phía Bộ Công Thương, đã có ý kiến cho rằng, đây là nghịch lý “đau khổ” nhất của mặt hàng thiết yếu này. Cách điều hành hiện nay cho thấy sự ôm đồm của Nhà nước, làm cho sự vận hành của mặt hàng xăng dầu đáng lẽ là đơn giản thì hoá ra phức tạp và rắc rối.

Một lít xăng đang phải gánh quá nhiều mục tiêu. (Ảnh: Phạm Huyền)

Theo vị quan chức này, đã đến lúc nên nhìn nhận lại quan niệm về mặt hàng xăng dầu. Ngược với tuyên bố của Cục quản lý giá, vị chuyên gia này nói, không nhất thiết lúc nào, xăng dầu cũng cần phải bình ổn.

Một mặt hàng chỉ cần bình ổn giá khi có biến động bất thường trên thị trường. Ví dụ như năm 2008, trong 1 đêm, giá đã tăng vài chục USD/thùng hay rơi tự do, giảm sâu, hoặc biểu hiện thứ 2 là sự mất cân đối về cung- cầu.

Khi đó, thị trường này mới cần sự can thiệp của Nhà nước bằng các văn bản hành chính mang tính áp đặt.

Còn hiện nay, các phiên giao dịch giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng giảm đều đặn, nhịp nhàng trong vòng vài chục xu đến vài đôla mỗi phiên. Đây là thời điểm thị trường đang ổn định chứ không có dấu hiệu bất thường. Do đó, không cần thiết phải bình ổn giá xăng dầu.

Các doanh nghiệp xăng dầu cũng đồng tình quan điểm này. Sự điều tiết của Nhà nước là cần thiết đối với một quốc gia mà nguồn thu từ xăng dầu chiếm tới hơn 10% cân đối ngân sách. Vấn đề là Nhà nước cần can thiệp lúc nào, mức độ nào là hợp lý.

Trong điều kiện bình thường ổn định như hiện nay thì thực sự, Nhà nước phải để thị trường xăng dầu trong nước phản ánh đúng xu thế của thế giới, để cho doanh nghiệp đầu mối vận hành giá bán trên cơ sở một mức thu ngân sách ổn định.

Liệu rằng, sự ra đời tới đây của Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu sẽ giải quyết được những bất hợp lý trên?

Theo như Liên Bộ Công Thương - Tài chính nói thì việc hình thành công thức tính giá theo dự thảo Nghị định này minh bạch hoá quá trình vận hành giá xăng dầu.

Tuy nhiên, đại diện của Petrolimex đã “cảnh báo”: bản thân công thức này không có gì mới mà chỉ là sự công bố chính thức bằng Nghị định. Nếu kỳ vọng có sự đột phá về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường mà chỉ xuất phát từ một công thức là điều không thể.

Các doanh nghiệp này cho rằng, còn qui định, còn những công thức như vậy thì sẽ không bao giờ là thị trường.

Vấn đề đột phá cho thị trường xăng dầu phải là từ tư duy của nhà quản lý, phải xác định và lựa chọn một mục tiêu cao nhất để điều hành thị trường, nhất là không biến các tình huống bình thường thành bất thường.

Lấy lại bài học thị trường hoá của mặt hàng gạo trước kia, cũng đã có nhiều ý kiến lo ngại khi buông mặt hàng này ra, Việt Nam sẽ đói vì thiếu lương thực. Rốt cục, mặt hàng này đã vận hành một cách suôn sẻ và rất thị trường

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 787

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn